Ts. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho biết, đến cuối năm 2015, cả nước có 304 KCN được thành lập.
Trong đó có: 206 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 57,9 nghìn ha; 97 KCN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 26,1 nghìn ha trên tổng số 463 KCN theo quy hoạch, với tổng diện tích đất tự nhiên 85,2 nghìn ha; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56 nghìn ha (chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên) và gần 900 CCN các loại tại các địa phương, với tổng diện tích 32 nghìn ha. Quy hoạch đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 1.750 CCN với tổng diện tích khoảng 82 nghìn ha.
Tỷ lệ lấp đầy thấp
Hiện nay, diện tích lấp đầy của các KCN khoảng 49% (so với diện tích có thể cho thuê), tỷ lệ này của các CCN vào khoảng 53%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 67%.
Theo Ts. Dương Đình Giám, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) được thành lập trên 59 tỉnh, thành phố, nhưng tư duy xây dựng và phê duyệt quy hoạch chỉ ở phạm vi địa phương (thiếu tầm nhìn vùng và liên vùng), nên có tình trạng chồng chéo lãng phí nguồn lực và cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thường xuyên xảy ra tình trạng các địa phương liền kề có những K,CCN giống nhau khiến tỷ lệ lấp đầy thấp.
Ngoài ra, theo Ts. Giám, do thiếu tầm nhìn về phát triển bền vững (chủ yếu chạy theo số lượng dự án để lấp đầy các K,CCN) nên hầu hết các K,CCN được quy hoạch và thu hút đầu tư đa ngành nghề (K,CCN phức hợp) khiến cho việc phát triển các cụm liên kết ngành và phát triển theo mô hình sinh thái (đầu ra của DN này, thậm chí cả phế thải, là đầu vào của DN khác…) rất khó.
Đồng thời, với hạ tầng kỹ thuật không hoàn chỉnh, việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật cho các DN trong mỗi khu đang gặp rắc rối, ảnh hưởng đến chi phí vận hành DN. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lấp đầy các K,CCN thấp là do DN vừa và nhỏ (DNVVN) và DN siêu nhỏ không thể tiếp cận được quỹ đất này.
![]() |
Đường vào khu công nghiệp của DN Việt còn lắm gian nan
Thiếu KCN cho DNVVN
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh luôn là một trong những khó khăn lớn nhất của DNVVN trong nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có giải pháp.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư hạ tầng K,CCN thường nhắm vào các khách hàng lớn, cho thuê với diện tích đủ rộng để giảm chi phí quản lý, không muốn chia nhỏ diện tích cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của DNVVN. Mặt khác, chi phí thuê cao, thời hạn thanh toán không linh hoạt, không phù hợp với khả năng tài chính của DNVVN.
Mới đây, nhiều DN trong ngành cơ khí điện và nhựa cao su đã phàn nàn về việc không thể thuê đất tại các K,CCN. Riêng Hiệp hội DN cơ khí điện và cao su nhựa Tp.HCM có khoảng 80 DN đang hoạt động, nhưng phần lớn các DN đều nằm rải rác ngoài các KCN.
Theo Hiệp hội này, không nằm trong KCN cũng đồng nghĩa nhóm này không đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ vay vốn theo chương trình kích cầu đầu tư của Tp.HCM (Quyết định 50/2015/QĐ-UBND). Sự phân bố rải rác về địa lý càng khiến nhóm DN này thiếu cơ hội tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo từ Tp.HCM và các hiệp hội.
Tuy nhiên, để vào được các KCN, các DN cơ khí-điện và cao su-nhựa lại vướng quy định về mức đầu tư vào đây, tức là phải đầu tư tối thiểu 5.000m2 trong khi nhu cầu của họ chỉ dao động từ 500 đến 2.000 m2.
Thực tế hiện nay, cả nước chưa có K,CCN dành riêng cho các DNVVN. Hầu hết các K,CCN đang hoạt động đều dành chung cho hầu hết là những DN lớn, DN FDI.
Một khảo sát DNVVN Việt Nam mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO tại Tp.HCM đã cho biết, hiện nay rất thiếu các KCN cho DNVVN.
JETRO dẫn ra ý kiến của nhiều DN cho thấy, đất thuê trong KCN nhìn chung khá lớn, khoảng trên 3.000 m2, khiến DNVVN không thuê được do chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, các DN đang thuê đất không được trả tiền thuê làm nhiều lần nên gặp khó khăn trong việc trả cả gói một lúc.
Vì vậy, theo các DN, cần có các KCN cho thuê những diện tích khoảng 500m2, 1.000m2, 2.000m2 cho DNVVN và DN siêu nhỏ. Cần căn cứ theo tình hình tập trung công nghiệp ở các địa phương để hoàn thiện các KCN cho công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở dự đoán các ngành công nghiệp sẽ tăng trưởng trong tương lai.
Thy Lê