Việt Nam đã hòa nhập vào nền kinh tế thị trường, việc xin – cho “đặc ân” có thể dẫn đến tình trạng hạn chế sự phát triển của ngành và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) khác. Vì vậy, không có cơ sở để “phá lệ” cho bất kỳ DN nào.
Lâu nay vẫn diễn ra tình trạng xin tiền, giảm thuế phí, cầu cứu Chính phủ ban cho chính sách ưu đãi, cơ chế riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mỗi lần làm ăn thua lỗ, tồn đọng sản phẩm.
Câu chuyện quy hoạch
Nhìn lại thực trạng của các ngành như xi măng, sắt thép, khoáng sản… sẽ thấy không phải lần đầu tiên các “ông lớn” cầu cứu, xin cơ chế ưu đãi. Vậy tại sao nhiều năm qua tình trạng này vẫn cứ tái diễn?
Theo các chuyên gia kinh tế, để xảy ra việc dư thừa sản phẩm, điều đầu tiên là không đánh giá được nhu cầu của thị trường, quy hoạch còn lỏng lẻo, không tính toán lâu dài.
Chẳng hạn, câu chuyện sản xuất xi măng đã được các chuyên gia cảnh báo khi có thời điểm ngành nọ, DN kia thi nhau đầu tư làm xi măng. Vốn không có liền xoay xở vay ngân hàng. Thậm chí có DNNN còn xin được Chính phủ bảo lãnh cho vay vốn từ nước ngoài.
Có thể nói, việc đổ xô đi làm xi măng do lãi tới 50% khiến ai cũng ham, đua nhau nhảy vào làm. Tuy nhiên, với việc đầu tư cho một dây chuyền xi măng hết 3.000 – 5.000 tỷ đồng, những nhà máy ra đời sớm còn vớt vát được, còn với những DN chậm chân, khi vận hành gặp ngay cơn “bĩ cực”, xi măng thừa ứ, nên thua lỗ là điều dễ hiểu.
Còn như ngành sắt thép, dù tăng trưởng thép xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 3,9%, thấp hơn nhiều mức kỳ vọng ban đầu của Hiệp hội thép Việt Nam là 10 – 12%, nhưng sản lượng thép vẫn không ngừng gia tăng.
![]() |
Tồn kho cao, ngành xi măng xin cơ chế ưu đãi
Nguyên nhân là tình hình trong nước cạnh tranh ngày càng gay gắt do cung vượt cầu, nhiều dự án mới đi vào hoạt động và thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt nguồn thép Trung Quốc. Tiêu thụ khó khăn, các đơn vị phải liên tục giảm giá bán để giữ thị phần khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm sút.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các dự án mới vẫn tiếp tục “bung hàng” và nâng công suất. Cụ thể như: Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đưa nhà máy tôn mạ màu công suất 400.000 tấn/năm vào sản xuất; công ty Ống thép Việt Đức cũng đưa vào hoạt động nhà máy thép cán dài 350.000 tấn/năm; hay dự án gang thép của Formosa sẽ đóng góp 1 – 1,3 triệu tấn năm 2017.
Cạnh tranh phải công bằng
Những điều này càng khiến cho nguồn cung vượt cầu quá lớn, dẫn tới ngày càng tăng sức ép cạnh tranh gay gắt lên các DN sản xuất – kinh doanh thép trong nước nhưng tính hiệu quả kinh tế lại không tăng theo tương đồng.
Điều đáng nói là trong số rất nhiều “ông lớn” làm ăn thua lỗ, có những DN đã được Chính phủ bảo lãnh, cho vay vốn giá rẻ… nhưng kết quả kinh doanh yếu kém, để lại các khoản nợ tồn đọng, kéo dài, đẩy Chính phủ vào tình thế phải xin Quốc hội gia hạn, giãn, xóa nợ thuế khi tiến hành cổ phần hóa.
Thậm chí, tại các kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã không dưới một lần đệ trình Quốc hội xóa nợ thuế cho các DNNN với tổng số tiền ước tính lên tới hơn 13.000 tỷ đồng. Nhưng các đại biểu đã cùng biểu quyết không đồng tình.
Theo chuyên gia kinh tế – Ts. Lê Đăng Doanh, không nên tạo ra môi trường kinh doanh có quá nhiều ưu đãi tập trung vào một số DN lớn, tạo ra mặt bằng kinh doanh “gồ ghề”, bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Có những ưu đãi đặc biệt có thể chấp nhận, như những DN đang gặp khó khăn lớn, phá sản do thiên tai, bão lụt mới đây.
Còn Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT, cho rằng không có cơ sở để “phá lệ” cho riêng một DN nào vì ngân sách_đang vô cùng khó khăn, “bầu sữa” của Nhà nước dần cạn kiệt, nên không thể nuôi dưỡng, nuông chiều những “đứa con” lười nhác chỉ biết xin xỏ. “Kể cả cha mẹ có tiền đi chăng nữa cũng không thể cho tiền cái thói vòi vĩnh khiến con cái mình sinh hư”, Ts. Hồ nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng giá trị các ưu đãi rất lớn, việc xin – cho “đặc ân” có thể dẫn đến tình trạng hạn chế sự phát triển của ngành và ảnh hưởng đến các DN khác. Trên thực tế, các DN tư nhân phải tự thân vận động, xoay xở với từng đồng vốn lãi suất cao, gần như không có cơ chế gì hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, các bộ, ngành cần sớm có quy hoạch, dự báo thị trường, giúp DN đánh giá được đúng nhu cầu thị trường. Có như vậy mới tránh được tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.
Nhìn một cách công bằng, ngành xi măng, sắt thép, dệt may… có những đóng góp lớn cho đất nước. Nhưng cơ chế thị trường vô cùng khắc nghiệt, vì vậy DN tham gia “cuộc chơi” phải chấp nhận có cạnh tranh và đào thải một cách công bằng.
Đó là chưa kể, đáng ra các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải giữ trọng trách “trụ cột đầu tàu” phát triển kinh tế đất nước, mà không phải là “đầu tàu” xin giảm thuế khiến dư luận bức xúc như hiện nay.
Thanh Hoa