Ghi nhận của VnBusiness tại Hà Nội, từ các bưu cục, siêu thị đến doanh nghiệp lớn nhỏ, tất cả đều chạy đua với thời gian để hoàn tất đơn hàng trước kỳ nghỉ Tết kéo dài. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cho biết bên cạnh niềm vui "nổ" đơn, họ cần căn cứ vào năng lực nhân sự để quyết định số lượng đơn nhận, thậm chí tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực xa.
Shipper tất bật "chạy" Tết
Không khí làm việc khẩn trương dễ dàng nhận thấy ở các đơn vị vận chuyển như Viettel Post, Giao hàng Nhanh (GHN), Ahamove... hay trong các siêu thị lớn như Winmart, Big C.
Các shipper “chạy đua” với cả trăm đơn hàng mỗi ngày vào dịp gần Tết. |
Tại bưu cục Viettel Post trên đường Cầu Cốc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng hóa chất đầy lối đi, shipper liên tục kiểm tra đơn và giao hàng không ngừng nghỉ. Chị Mai, quản lý bưu cục, cho hay cận Tết đơn hàng về bưu cục dồn dập, tăng gấp 5 lần so với ngày thường, trong khi nhân sự thực tế không tăng. Để "chữa cháy" nhân sự dịp Tết, bưu cục phải thuê thêm cộng tác viên. Tuy nhiên, có nhiều đơn hàng vẫn bị chậm giao cho khách do năm nay, áp lực giao thông những ngày giáp Tết khiến công việc giao hàng như "leo đèo vượt dốc".
“Từ giữa tháng 1 đến nay tình trạng tắc đường ngày càng nghiêm trọng, trong khi đơn hàng nào cũng có leadtime giao nhận riêng. Cuối tuần, lượng đơn tăng vọt, giao mãi không hết việc, có những ngày giao gần 100 đơn", anh Nguyễn Hưng, một shipper tại Giao hàng Tiết kiệm cho hay.
Không chỉ các bưu cục, những siêu thị lớn như Winmart, BigC cũng đang "nóng máy" với nhu cầu giao hàng tận nhà tăng vọt.
Anh Nguyễn Chương, một shipper có kinh nghiệm tại siêu thị BigC, cho hay khách mua hàng và đặt giao tại nhà khá nhiều và chủ yếu mua sắm bánh kẹo, đồ ăn, nước uống cho Tết. “Sáng 5h tôi phải ra khỏi nhà, khuya gần 11h đêm mới về tới nhà vì lượng hàng Tết tăng gấp ba ngày thường. Giao hàng tất bật ngoài đường, nếu không sẽ không hoàn thiện đơn cần giao trong một ngày. Tuy vất vả nhưng thu nhập tăng", anh Chương chia sẻ.
Theo tìm hiểu, cước phí những ngày cận Tết được tính theo khu vực, từ 20.000 đồng cho giao hàng nội thành dưới 3kg, tăng lên 30.000 đồng, Trong khi vận chuyển đến các huyện, xã... dao động 40.000 - 50.000 đồng/kg. Một số hợp đồng vận chuyển lớn cho các doanh nghiệp lớn có thể đạt giá trị gần tỷ đồng.
Khó tìm được đơn vị vận chuyển
Trong bối cảnh quá tải đơn hàng cận Tết, trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội (Zalo, Facebook…), hay các sàn thương mại như Shopee, TikTok Shop… nhiều chủ hàng bán than thở về tình trạng hàng chất đống trong kho do nhân viên giao hàng hủy/hoặc hoàn, thậm chí khó tìm được đơn vị vận chuyển.
Trên nhóm Xóm nghiện hàng order nước ngoài với gần 137.000 thành viên, tài khoản Nv Thanh Phương, cho biết chưa bao giờ bị hủy/hoàn nhiều đơn như hiện nay. Theo tài khoản này, có đơn hàng gửi GHN từ ngày 7/1 nhưng tới 19/1 vẫn trong trạng thái “ở bưu cục khu vực”, chưa được chuyển cho khách.
Các doanh nghiệp cho biết tình trạng không giao đúng ngày hoặc quá tải đơn hàng dịp cận Tết ảnh hưởng mạnh tới các shop (cửa hàng) bán online nhỏ lẻ và doanh nghiệp nhỏ do không ký kết dài hạn với đơn vị vận chuyển, còn với doanh nghiệp lớn thì hầu như không ảnh hưởng.
Ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH EZ Shipping (Hà Nội), nhận định xu hướng mua sắm online tăng mạnh trong những năm gần đây đã tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vận chuyển. Tuy nhiên cơ hội này cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ. Thực tế cho thấy vào dịp Tết, lượng đơn hàng có thể lên đến hàng triệu, dẫn đến tình trạng hàng hóa dồn ứ, gây áp lực lớn lên việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Để đối phó với tình trạng này, ông Quân đề xuất giải pháp "không tham" - tức là doanh nghiệp cần căn cứ vào năng lực nhân sự để quyết định số lượng đơn nhận, thậm chí tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực xa. Đồng thời các đơn vị cần tăng cường xử lý đơn hàng cả ngày lẫn đêm để giải quyết "núi" hàng hiện có trước khi nhận thêm đơn mới. Đối với các đơn hàng gửi sát Tết, doanh nghiệp cần thông báo rõ về khả năng phải lưu kho và giao sau Tết.
Thực tế, trước áp lực đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vận chuyển đã buộc phải thông báo tạm ngưng nhận đơn hàng đi xa để đảm bảo kịp tiến độ.
Chẳng hạn, tại Viettel Post thông bảo chỉ nhận đơn nội tỉnh đến hết ngày 24/1, liên miền là ngày 22/1 và huyện xã là ngày 22/1. Trong khi đó, Grab Express vẫn duy trì hoạt động nhưng thời gian giao hàng có thể chậm hơn do lượng tài xế giảm. Shopee Express khuyến cáo khách hàng nên đặt và thanh toán đơn hàng trước ngày 25/1 để đảm bảo nhận hàng trước Tết.
Tương tự Giao Hàng Tiết Kiệm chỉ nhận đơn hàng nội thành Hà Nội và TP.HCM trước 12h ngày 26/1 và ngừng nhận đơn liên miền từ 23/1.
Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều doanh nghiệp và shop online thông báo ngưng nhận đơn hàng chuyển đi các tỉnh xa, đặc biệt là các địa phương phía Trung và Nam. Bà Hoàng Hải Yến, giám đốc công ty TNHH Hoàng Gia (Hà Nội) cho biết doanh nghiệp chuyên bán các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu. Vì vậy, nếu nhận đơn hàng rồi giao không được, hàng trả về sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn vì phát sinh cước vận chuyển đi - về, chưa kể một số mặt hàng như bánh kẹo, socola hư hỏng…
Theo bà Yến, hiện doanh nghiệp chỉ nhận các đơn hàng giao cự li gần như trong nội thành Hà Nội, còn các tỉnh ở miền Trung và Nam đã ngưng nhận. “Thông thường thời gian gửi hàng đi các tỉnh sẽ mất khoảng 2-3 ngày. Tuy nhiên, những ngày này phải mất gần cả tuần mà khách vẫn chưa nhận được hàng. Nếu hàng không giao được trước Tết khách sẽ huỷ đơn”, bà Yến nói.
Thanh Hoa