Theo phân loại của IQVIA Institute, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành dược mới nổi. Tầng lớp trung lưu tăng lên, thu nhập đầu người cải thiện rõ rệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên là những động lực cho sự phát triển của ngành dược phẩm trong nước.
Cuộc chạy đua mở nhà thuốc
Nhờ doanh thu tăng vượt trội, hàng loạt “ông lớn” ngành bán lẻ không còn ở tư thế dòm ngó mà đang bành trướng, thần tốc mở nhà thuốc.
Năm ngoái, chuỗi nhà thuốc Long Châu là động lực tăng trưởng lớn nhất cho FPT Retail khi mang về doanh thu gần 4.000 tỉ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020 và chiếm 18% tổng doanh thu. Đáng chú ý là doanh thu quý cuối năm đạt đến 1.400 tỉ đồng - gấp 4 lần cùng kỳ. Con số ấn tượng này có được là nhờ chuỗi mở thêm lên gần 500 cửa hàng như hiện tại.
![]() |
Triển vọng tăng trưởng của ngành dược phẩm là động lực để các "đại gia" bán lẻ "thần tốc" mở nhà thuốc. |
Điều này cũng giúp Long Châu chính thức có lãi trong năm 2021, vượt ngoài kỳ vọng khi kế hoạch ban đầu là có lãi vào năm 2023.
Sau khi thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang năm 2017, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), bày tỏ tham vọng sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm thông qua hình thức M&A với 500 cửa hàng, từ 10-15 cửa hàng ban đầu.
Để hợp thức hoá tham vọng mở 500 cửa hàng, MWG đã mua thêm cổ phần tại An Khang để sở hữu 100% chuỗi nhà thuốc này và trở thành công ty con. Trong thông báo tổng kết năm 2021, MWG đã công bố việc hợp nhất kinh doanh chuỗi nhà thuốc kể từ quý cuối năm qua.
"Sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty với 178 cửa hàng cuối năm 2021 và chính thức hợp nhất vào kết quả kinh doanh của MWG, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ", phía MWG cho biết.
Trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO MWG cho biết, doanh số bình quân hiện tại của các nhà thuốc An Khang đạt 500 triệu đồng/tháng mỗi điểm bán. Với mức doanh số trên, các cửa hàng dược phẩm này đã chạm ngưỡng hòa vốn. “Trong năm 2022 sẽ tăng tốc cho An Khang để có thể tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này", ông Hiểu Em chia sẻ.
Tương tự, Pharmacity hiện là chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên lớn nhất cả nước, với khoảng 692 cửa hàng bán lẻ tính tới cuối năm 2021, chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Nam.
Đón đầu những cơ hội từ đại dịch Covid-19, Pharmacity vừa công bố kế hoạch đến năm 2025 sẽ mở được 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Đồng thời, phát triển một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, kết hợp bán lẻ truyền thống với các dịch vụ y tế cơ bản.
Đại diện của Pharmacity cho biết, trong 5 năm tới, Pharmacity đặt mục tiêu nâng mức doanh thu lên 1,5 tỷ USD, tiếp tục “xưng bá” trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.
Theo một báo cáo của SSI Research, nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 kỳ vọng vượt qua mức trước dịch và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, nhu cầu về thuốc hạ sốt và vitamin sẽ tăng mạnh.
Tham vọng của Pharmacity là hoàn toàn có cơ sở. Đằng sau Pharmacity hiện tại là sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ trong nước cho đến quốc tế, bao gồm cả Mekong Capital và TR Capital, SK Group.
Triển vọng của thị trường tỉ USD
Theo một báo cáo của SSI Research, nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Đối với nhóm các công ty dược phẩm, kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới.
"Chúng tôi cho rằng nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin. Đặc biệt nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid-19 và sớm thương mại hóa trong năm 2022", báo cáo SSI viết.
Còn theo số liệu của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành dược sẽ tăng trưởng tiếp tục ở mức hai con số trong giai đoạn 2020-2025 và đạt mức 7,7 tỷ USD vào năm sau. Nhu cầu và mức độ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng lớn, trong khi mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thuốc do nguồn cung sản xuất không đáp ứng đủ. Năm ngoái con số này khoảng 3 tỷ USD và dự kiến năm nay tăng lên 4,35 tỷ USD.
Điển hình, mới đây chuỗi nhà thuốc thuộc FPT Retail, công bố thông tin là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ký hợp đồng phân phối thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19. Ngay sau đó, cổ phiếu FRT liên tục "tăng nóng", lập những đỉnh lịch sử mới.
Đại diện Pharmacity cũng nhìn nhận triển vọng tích cực khi ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD và chi tiêu cho dược phẩm tăng bình quân 14%/năm trong một thập kỷ qua.
Còn Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ, việc thâu tóm An Khang là để chuẩn bị tăng tốc trong tương lai khi ngành thuốc như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ... đang có các cơ hội phát triển tốt sau đại dịch.
"Ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ... Chúng tôi cho rằng ngành thuốc muốn kiếm lợi nhuận thì đây là giai đoạn phù hợp", ông Tài nói.
Thanh Hoa