Thời hoàng kim của ngành bán lẻ điện máy đã qua đi. Từ mấy năm nay, để cầm cự, các chuỗi bán lẻ phải chạy đua khuyến mãi, giảm giá quanh năm nhưng sức mua vẫn không cải thiện là bao. Nhiều hệ thống đối mặt nguy cơ phá sản.
“Làn sóng” đóng cửa shop điện máy
Giai đoạn tám năm trước, Trần Anh là một trong những gương mặt lẫy lừng trong giới bán lẻ điện máy, "tự hào trở thành doanh nghiệp bán lẻ máy tính số 1 tại miền Bắc", so kè đối thủ Pico.
Năm 2016, Trần Anh chốt năm bằng doanh thu kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng. Sau đó tiếp tục mở rộng quy mô, tăng lên 39 siêu thị. Tuy nhiên, năm 2017 doanh nghiệp này thể hiện sự sa sút rõ, doanh thu từ đây đi xuống, lỗ hơn 60 tỷ đồng.
Mức độ tiêu thụ đồ điện máy trên thị trường bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa. |
Năm 2018, Thế Giới Di Động chính thức vào thâu tóm để khẳng định vị thế ở miền Bắc. Tuy nhiên, kể từ khi về tay chủ mới, thay đổi mô hình kinh doanh, song Trần Anh không hết đuối sức, doanh thu lao dốc dần. Sau 6 năm duy trì chuỗi điện máy này, Thế giới di động "khai tử" điện máy Trần Anh.
Với chuỗi điện máy, Thế Giới Di Động đóng cửa 91 điểm bán điện máy, chỉ còn 2.093.
“Xoá sổ” điện máy Trần Anh không phải là sự việc gây bất ngờ trên thị trường bởi những năm gần đây số lượng cửa hàng thu hẹp, khách hàng thưa thớt là tình trạng chung của nhiều hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy lớn hiện nay.
Tại Hà Nội, Topcare đóng cửa 6 siêu thị điện máy, chuỗi Việt Long cũng đóng cửa sau 11 năm hoạt động. Nguyên do sau giai đoạn tăng trưởng nóng vì tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu các thiết bị công nghệ hỗ trợ việc học và làm việc tại nhà, sức mua yếu dần, hàng tồn kho cao do việc kế hoạch kinh doanh sai dựa trên kỳ vọng tăng trưởng của các năm tiếp theo khiến hệ thống bán lẻ điện máy lớn lao đao.
Hầu hết trung tâm siêu thị điện máy quy mô lớn ở TP HCM, Hà Nội như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Gia Thành, Điện Máy Xanh, Pico, HC, MediaMart… luôn trong tình trạng vắng khách trong hơn 1 năm qua, bất chấp các doanh nghiệp này liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại.
Lãnh đạo một doanh nghiệp điện máy cho hay trong năm qua các nhà bán lẻ lớn kéo nhau vào cuộc chiến hạ giá khốc liệt nhất trong lịch sử. Các hãng công nghệ, nhà phân phối cũng bị kéo vào "cuộc chiến". Ngay cả ngành hàng iPhone chưa từng biết giảm giá cũng bị cuốn vào khiến các nhà bán lẻ bị âm giá vốn, thua lỗ.
Đến nay, cuộc chiến giá vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Chưa dừng lại ở đó, các nhà bán lẻ bắt đầu siết chặt các chi phí vận hành để giảm thiểu thua lỗ, như sa thải nhân viên, đóng cửa nhiều cửa hàng không hiệu quả và dự kiến sẽ còn tiếp tục đóng cửa nhiều cửa hàng nữa trong thời gian sắp tới. Dù vậy, hiện nay các nhà bán lẻ này đều cố gắng bám trụ thị trường nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, chật vật trong cuộc đua thị phần.
Kinh doanh offline sẽ gặp khó khăn
Nhìn lại thời điểm bán điện máy Trần Anh cho Thế giới di động, ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh, từng chia sẻ lý do bán là vì thị trường điện máy không còn nhiều tương lai. Ông cho biết ở các thị trường phát triển và những nước quanh khu vực, mức độ tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa. Xu thế thương mại điện tử phát triển rất mạnh, việc kinh doanh offline sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, cộng với nhu cầu của người dân bắt đầu đến ngưỡng tăng trưởng chậm lại. Điều đó cho thấy thị trường đã đến ngưỡng bão hòa.
Chưa kể, kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng sức mua trên thị trường. Sức mua giảm sút khiến nhiều cửa hàng, trung tâm phải đóng bớt điểm kinh doanh. Với chuỗi Điện máy xanh và Thế giới di động, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính cho biết Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vào cuối tháng 6 vừa qua.
Đáng nói, xu hướng mua online một số mặt hàng giá trị thấp cũng gia tăng nên có thể nhiều đơn vị phải đóng bớt cửa hàng để tiết kiệm chi phí. Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, tại các thành phố lớn, thị trường điện máy đã bão hòa, khó phát triển. Do đó, các nhà bán lẻ đang tập trung khai thác ở các thành phố nhỏ và thị trường nông thôn bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu mua sắm điện máy nhiều hơn trước.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, nhìn nhận tình trạng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị ngày càng giảm là xu hướng chung. Do vậy, Thế Giới Di Động đã chủ động nhiều giải pháp hiệu quả về chi phí, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Với hệ thống Thiên Hòa, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam Hòa, cho biết công ty đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh bán hàng online và đặt mục tiêu phấn đấu doanh số từ hình thức này đạt khoảng 60%-70% tổng doanh số.
Tương tự, với nỗ lực duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%; phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng; tăng thời gian bảo hành sản phẩm…
Thanh Hoa