Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ quý II, các thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đề xuất Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất và kinh doanh.
Phát hành chứng chỉ vàng
Trước đó, ý tưởng huy động vàng trong dân từng gây ra nhiều tranh luận khá gay gắt về chuyện nên hay không huy động nguồn lực này khi Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân.
Bên cạnh ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến không ủng hộ khi cho rằng nếu huy động vàng trong dân, cơ quan quản lý sẽ đi ngược lại nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa.
Do đó, trả lời câu hỏi mới đây về việc phải chăng không có nguồn lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta mới quay trở lại bài toán huy động vàng, Ts. Cấn Văn Lực cho rằng không phải, mà có lẽ là nghiên cứu để có cách nào đó vì trong dân còn nhiều vàng đang được tích góp, gây lãng phí lớn.
Theo ông Lực, để huy động vàng của dân ra hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nên phát hành chứng chỉ vàng nhưng không hỗ trợ lãi suất vì nếu làm vậy sẽ tăng vàng hóa. Chứng chỉ đó được phép chuyển nhượng, cầm cố, luân chuyển, thế chấp với mức độ năng động, linh hoạt hơn so với việc để vàng trong nhà.
Ông Lực cho biết thêm: “Chúng ta không “móc” vàng của người dân ra bằng mọi cách mà khuyến khích đưa vàng đó ra luân chuyển để không bị tồn kho. Luân chuyển bằng cách phát hành chứng chỉ vàng. Trên thực tế, một số nước đã làm thành công như Ấn Độ, chứng tỏ đề án này không phải không khả thi. Tất nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vất vả hơn khi thực hiện”.
“Tôi cho rằng cần nghiên cứu tiếp đề án này, khi kinh tế vĩ mô ổn định, khi muốn tăng thêm nguồn vốn tiền bạc cho sản xuất kinh doanh, có thể làm vì điều đó sẽ không gây hệ lụy như tăng vàng hóa. Không hỗ trợ lãi suất khi gửi vàng, ngân hàng không tính phí để cầm giữ, mục đích cơ bản là làm sao để tăng tính linh hoạt, tính chảy của chứng chỉ vàng”, ông Lực kiến nghị.
Ông Lực lý giải thêm, điều đó có nghĩa rằng ngân hàng cầm hộ vàng. Ngân hàng sẽ có thêm dịch vụ là quản lý hộ tài sản của người dân không chỉ vàng mà cả đăng ký kết hôn, của hồi môn, di chúc… Hiện nay, người dân Việt Nam cứ để trong nhà, nhiều khi bị cháy, bị cướp, bị mất.
![]() |
Đề xuất huy động vàng trong dân tiếp tục nhận nhiều ý kiến trái chiều
Minh bạch sử dụng vốn từ vàng
Liên quan tới vấn đề này, đại diện VGTA cho biết, vấn đề cơ bản nhất hiện nay là người dân không tin Chính phủ hay Nhà nước sử dụng vàng của họ có trả lại được cho họ không vì người dân và xã hội đã nhìn thấy tiền vốn nhà nước bị thất thoát, hay nói chính xác hơn đã bị tham nhũng, làm phương hại đến hiệu quả đầu tư và các dự án thất bại do đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Cho nên, khi đề cập đến gửi vàng cho Nhà nước, ai cũng sợ mất vàng.
Vì vậy, ở góc độ vĩ mô, nếu triển khai và huy động được vàng trong dân, trước hết cần phải minh bạch các dự án đầu tư hay minh bạch trong việc sử dụng vốn từ vàng của dân để ít ra cũng có được một bộ phận người dân tin tưởng, hưởng ứng chính sách này.
Theo đại diện VTGA, chúng ta phải thực sự cầu thị và cũng vì hạn chế trong hiểu biết những vấn đề của lĩnh vực vàng, nhất là các công cụ tài chính quốc tế kèm theo các nghiệp vụ này. Vì vậy, nếu đề án này được chấp thuận, chúng ta nên học theo Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, mời các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm của Hội đồng Vàng Thế giới về giúp.
Đặc biệt, về các số liệu để tính toán hiệu quả của đề án huy động vàng, chúng ta cần phải điều tra cụ thể, vì số liệu đó liên quan đến đầu vào là chúng ta sẽ chuyển đổi loại vàng nào, vàng miếng SJC 99,99 hay vàng nhẫn tròn trơn 99,9% mà hiện nay nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh mua bán với dân hay vàng trang sức 75% trở lên.
“Để có bài toán chính xác, phải đánh giá được đúng các loại vàng trong dân là những loại gì và là loại nào khi nhận vàng của dân. Chúng ta phải kiểm tra, kiểm soát được chất lượng để đánh giá đúng giá trị của nó, vừa không thiệt cho người dân mà cũng không bị rủi ro cho Nhà nước”, VTGA đề xuất.
Thy Lê