Tại Hội nghị tổng kết ngành công thương 2017, ngày 15/1, đại diện các DN sản xuất ôtô trong nước, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế, phí.
Có ưu đãi nhưng chưa đủ
Ông Đức cho biết các ưu đãi đưa ra, cụ thể theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, là chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước so với ôtô NK nguyên chiếc từ ASEAN, mà mới chỉ thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh.
Hiện tại, theo tính toán của DN, mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp, ráp theo cơ sở từ Nghị định 125 tối đa chỉ dao động 12 – 15%, trong khi nếu được giảm thuế từ 30% (năm 2017) xuống 0% (năm 2018) thì các ôtô NK nguyên chiếc có thể giảm 23 – 25% giá bán lẻ so với hiện nay.
Chưa kể, các DN sản xuất, lắp ráp phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, các chi phí kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện NK rất lớn.
Đối với Nghị định 116/2017/NĐ-CP, ông Đức cho biết các giấy tờ thủ tục liên quan như giấy phép kinh doanh NK ôtô (hiện một số DN đã được cấp loại giấy này), các loại giấy chứng nhận kiểu loại ôtô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ là các giải pháp ngắn hạn.
Về dài hạn, khi các quy trình phối hợp giữa nhà NK và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm NK về Việt Nam.
“Từ đó, xu hướng NK xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc NK, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước trong việc tìm đầu ra”, ông Đức nói.
Chính vì vậy, thay mặt các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, về ngắn hạn, Hyundai Thành Công đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế, phí.
![]() |
DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước muốn miễn giảm hàng loạt loại thuế, phí
Xin miễn, giảm hàng loạt thuế
Cụ thể, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ôtô. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ôtô tại Việt Nam, ngoại trừ các loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên, còn khá thấp. Với thực trạng đó, sẽ rất khó để các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước có thể xuất khẩu sang các thị trường lân cận.
“Để cải thiện tình hình này, giải pháp miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước là giải pháp tối ưu.
Các DN sẽ phải tự chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, không dừng ở việc lắp ráp đơn thuần, nếu muốn tiết kiệm chi phí trong dài hạn và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm”, đại diện Hyundai Thành Công cho biết.
Bên cạnh đó, DN này đề xuất, miễn giảm thuế NK nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của DN về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Theo Hyundai Thành Công, giải pháp trên sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước. Với việc được tối ưu hóa chi phí đầu vào, các nhà sản xuất linh kiện sẽ có thể cung cấp ra thị trường những linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh hơn so với các linh kiện NK.
Từ đó sẽ dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, góp phần giảm chi phí sản phẩm xe sản xuất, lắp ráp trong nước, nâng cao dung lượng thị trường, giúp các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư và sản xuất trong nước.
Ông Đức cho rằng: Với chính sách ưu đãi miễn giảm thuế linh kiện nêu trên kết hợp cùng với chiến lược chung của toàn ngành nhằm bảo hộ thị trường, các hãng xe từ đó cũng sẽ có đủ tự tin để đầu tư sâu và rộng tại Việt Nam, phục vụ cho nhu cầu trong nước đang bùng nổ (Việt Nam đang tiến dần vào giai đoạn ôtô hóa) cũng như hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai gần.
Đồng thời về dài hạn, DN kiến nghị cần có các cơ chế chính sách thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.
Liên quan tới giải pháp phát triển ôtô trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ này sẽ có biện pháp để kiểm soát tốt chất lượng ôtô NK và hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương đồng thuận với các giải pháp về thuế, phí mà DN nêu, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, xử lý vấn đề điều chỉnh thuế NK linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế NK ôtô thành phẩm theo cam kết đã ký. Đồng thời, nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế TTĐB đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước).
Thy Lê