Ngày 7/3, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chính thức công bố danh sách 529 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Trong đó, ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền đạt tỷ lệ bình chọn cao nhất.
|
Đặc biệt, trong danh sách có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 28 năm liên tiếp. Đồng thời, danh sách năm nay có 16 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bên cạnh đó, trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) thì An Giang là địa phương có doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất với 15 doanh nghiệp.
Để được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí: sản phẩm có chất lượng cao dưới góc nhìn của người tiêu thụ trực tiếp; Giá cả hợp lý, phương thức phân phối thuận tiện, khả năng cải tiến đối mới sản phẩm, tiếp thụ hấp dẫn, nhãn ấn tượng; Sản phẩm đạt 2% số phiếu ở ngành hàng được bình chọn.
Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, theo ông Vũ Văn Phượng – đại diện Ban tổ chức, cuộc khảo sát năm nay tập trung cả 2 đối tượng gồm phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng, nhà bán lẻ và khảo sát trực tuyến như thường niên. Kết quả ghi nhận đã có hơn 70.000 lượt bình chọn bằng cả 2 hình thức cho doanh nghiệp.
Sau khi bình chọn, Ban tổ chức sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu qua bước tiếp nhận hồ sơ minh bạch của doanh nghiệp tại địa phương để có thể nắm rõ tình hình và tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu là những doanh nghiệp có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối với sự gia tăng độ phủ khá tốt tại các hệ thống phân phối. Hầu hết doanh nghiệp mới nổi là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thực phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hành sản xuất tốt, đạt chứng nhận OCOP.
Trong năm nay, ngành hàng có lượt bình chọn cao thứ 2 sau ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền là nước chấm, gia vị… Riêng ngành dụng cụ làm đẹp đạt tỷ lệ thấp nhất.
Nguyễn Thảo