Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho biết, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 9/2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 với 3,3 triệu lượt (chiếm 26,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến trong 9 tháng qua.
9 tháng năm, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước. |
Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) (954 nghìn lượt), Mỹ (579 nghìn lượt), Nhật Bản (529 nghìn lượt), Malaysia (357 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.
Về động lực tăng trưởng, trong 9 tháng năm 2024, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 141,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (+30,3%), Nhật Bản (+27,6%),...
Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức,... Bên cạnh đó là Italy, Tây Ban Nha, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.
Ở Nam Á, đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, phục hồi ở mức 305% so với trước dịch. Ngoài ra, hầu hết các thị trường Đông Nam Á cũng phục hồi tốt.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt người, chiếm 13,8% và tăng 68,1%; bằng đường biển đạt gần 165.700 lượt người, chiếm 1,3% và tăng 158,7%.
Theo các công ty lữ hành, từ những con số trên cho thấy, nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có sự đa dạng hóa đáng kể và Việt Nam đang dần trở nên thu hút hơn đối với các du khách đến từ những khu vực mới và đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trên đà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn khi phân khúc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, với nhu cầu tăng vọt và chi tiêu trung bình tăng, cho thấy họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm và hoạt động du lịch tại điểm đến.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.703.400 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2024 ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế.
Có thể thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực 9 tháng đầu năm 2024, đa số các thị trường phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, cùng những chương trình quảng bá xúc tiến mạnh mẽ, ngành du lịch kỳ vọng trong những tháng còn lại năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Hồng Hương