Cụ thể, vào rạng sáng ngày 09/10/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 89H-06356 đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam.
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Zara và Mango. Đây là các thương hiệu thời trang lớn, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Zara và Mango bị bắt giữ. |
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa được vận chuyển trên phương tiện.
Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành lập biên bản và chuyển giao cho Công an thành phố Tuy Hòa để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự theo thẩm quyền.
Trước đó, cũng trong tháng 10 tại Hà Nội, Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ trên 10.000 chai nước hoa thuộc các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T làm Tổng Giám đốc.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng TMĐT đang được toàn lực lượng Quản lý thị trường tăng cường triển khai, thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 319).
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc nổi bật kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng TMĐT như tiktok, facebook đã được lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý, chứng tỏ sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, thể hiện quyết tâm không có vùng cấm trong kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Hồng Hương