Cụ thể, hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 79,25 tỷ USD. Kết quả trên dù giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2022 đạt 93,4 tỷ USD) nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị thế là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 27,2% kim ngạch cả nước.
Hết tháng 10 có 11 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt 10 tỷ USD trở lên.
![]() |
Xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt hơn 12 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023. |
Dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 14,69 tỷ USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,5 tỷ USD; dệt may đạt hơn 12 tỷ USD. Như vậy, tính riêng 3 nhóm hàng trên, kim ngạch xuất khẩu đạt 40,19 tỷ USD, chiếm gần 51% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài 3 nhóm hàng “chục tỷ đô”, hết tháng 10 có các nhóm hàng lớn khác như điện thoại và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản…
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Hòa Kỳ trong 10 tháng qua đạt 11,34 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 12,32 tỷ USD). Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Hoa Kỳ với kim ngạch 2,97 tỷ USD, đây cũng là nhóm hàng “tỷ đô” duy nhất tính hết tháng 10.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có kim ngạch hàng trăm triệu USD như: bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép phế liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Hết tháng 10, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 90,59 tỷ USD, đây là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Sự kiện lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ từ Đối tác toàn diện lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, các chuyên gia dự báo các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam kéo theo các công ty của nước thứ 3 đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, y tế, dầu khí, năng lượng..., tạo dư địa cho phát triển sau này. Ở chiều ngược lại cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang sang thị trường 300 triệu dân này.
Vì vậy, các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ không tạo ra hiệu ứng đột biến, nhưng trong dài hạn sẽ tăng.
Hiện tại, các ngành sản xuất chủ chốt trong nước, đóng góp nhiều tỷ USD cho xuất khẩu như điện tử, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… vẫn thiếu đơn hàng và chưa thể hoạt động hết công suất. Trong đó, do Hoa Kỳ là thị trường lớn của nhiều ngành xuất khẩu, nên mức độ sụt giảm tại thị trường này có ảnh hưởng rất lớn.
Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặc dù là thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng nhưng Hoa Kỳ lại là thị trường vô cùng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng mới có thể thành công khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số ngành hàng như thủy, hải sản, nông sản thực phẩm, các quy định, quy chuẩn khắt khe đối sản phẩm nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài đây lại là yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững nếu biết chủ động thích nghi, kiên trì giữ thị trường, thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thanh Hoa