Theo Quy hoạch điện VIII, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững.
Thúc đẩy phát triển thị trường khí LNG hiệu quả và cạnh tranh
Theo giới phân tích, do tính chất vận hành ổn định, liên tục và linh hoạt nên nhiệt điện khí cần phải được duy trì, đảm bảo tỷ trọng cần thiết để điều hòa phụ tải, duy trì ổn định hệ thống điện, hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Quy hoạch điện VIII đã xác định đến 2030, nguồn nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng khoảng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, theo các số liệu dự báo và tính toán, những năm sắp tới nguồn cung khí nội địa sẽ suy giảm, các mỏ khí mới được đưa vào vẫn chưa đủ bù đắp lượng khí thiếu hụt. Do đó, việc nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn, đáp ứng nhu cầu trong nước là xu hướng tất yếu và cấp thiết.
Trong đó, cần xây dựng hạ tầng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Đồng thời xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, khí tái hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ, bao gồm việc xây dựng kho chứa LNG quy mô nhỏ, đội tàu, xe chuyên dụng cho vận chuyển LNG, trạm phân phối và hệ thống tái hóa khí để cung cấp khí LNG cho các khách hàng điện, khu công nghiệp cũng như hộ tiêu thụ.
Hệ thống cảng nhập khí LNG. |
Hiện nay, PVN và PV GAS đang sở hữu và vận hành một loạt cơ sở hạ tầng ngành năng lượng cũng như công nghiệp khí. PV GAS là doanh nghiệp khí đầu ngành, hiện đang sở hữu và vận hành hơn 1.500 km đường ống dẫn khí cùng hệ thống kho chứa, cảng xuất nhập, các trung tâm phân phối và nhà máy chế biến khí. Theo tính toán, triển khai đầu tư kho LNG trung tâm khu vực phía Bắc/Bắc Trung Bộ để phát triển đồng bộ hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG của quốc gia, có tính đến việc kết nối, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu để tối ưu hóa chi phí đầu tư hạ tầng LNG nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo hiệu quả và duy trì sự ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp khí trên toàn quốc.
Dự án kho chứa LNG của PV GAS. |
Hóa giải khó khăn về giá khí
Theo các chuyên gia năng lượng, giá LNG tại thị trường Việt Nam được định giá dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất là giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Thứ 2 là giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương.
Đối với nguồn LNG cung cấp cho khách hàng công nghiệp trên thế giới đã khẳng định LNG cạnh tranh tốt với các dạng nhiên liệu lỏng như xăng, dầu diesel. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khí tái hóa từ LNG là nguồn nhiên liệu mới nên việc hỗ trợ quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng LNG nhập khẩu đầu tiên tại Thị Vải ở Việt Nam sẽ giúp giảm chi phí phân phối giúp giá LNG đạt lợi thế cạnh tranh sòng phẳng.
Tóm lại, để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam, có một số biện pháp quan trọng và cần thiết. Trong đó cần có sự đầu tư vào hạ tầng, cơ chế chính sách rõ ràng, khả thi, thực tế, đảm bảo quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường, và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Những biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp khí LNG, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
H.C