Phía đại diện MWG trấn an rằng việc rút 22 cửa hàng của họ khỏi hệ thống BigC Việt Nam là thỏa thuận tự nguyện, kinh doanh bình thường, nhưng các nỗi sợ vô hình lẫn hữu hình từ những mưu toan thôn tính thị phần, tạo sức ép cạnh tranh thiếu lành mạnh của khối bán lẻ ngoại vẫn lởn vởn quanh đầu các nhà bán lẻ nội.
Khó lọt cửa siêu thị ngoại
Việc rút lui của MWG khỏi BigC Việt Nam và được thay thế bởi Nguyễn Kim được lý giải là vì Central Group đã sở hữu BigC Việt Nam sau thương vụ chuyển nhượng hơn 1 tỷ USD trong khi trước đó tập đoàn bán lẻ của Thái cũng đã mua 49% cổ phần của siêu thị điện máy Nguyễn Kim với 200 triệu USD.
Điều đó có nghĩa là MWG tự hiểu họ phải ra đi vì trong mặt bằng của họ sẽ phải có thêm nhóm hàng điện máy, tiêu dùng của Nguyễn Kim nhằm tận dụng nguồn khách hàng đông đảo có sẵn.
Đây cũng chính là nỗi lo của hàng Việt (nhất là thực phẩm, điện máy, đồ gia dụng tiêu dùng) đang nằm trên hệ thống các siêu thị thuộc sở hữu của các tập đoàn bán lẻ ngoại sau M&A.
Như phân tích của giới chuyên gia, việc này làm dấy lên những lo lắng về nguy cơ ngành bán lẻ Việt có thể bị “thôn tính” bởi các nhà bán lẻ ngoại, kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với các ngành sản xuất nội địa (nếu các nhà bán lẻ ngoại từ chối bằng các cách khác nhau việc nhập hàng từ các nhà sản xuất nội địa…) cũng như những rủi ro với người tiêu dùng (nếu các nhà bán lẻ ngoại sau khi thống lĩnh thị trường đồng loạt tăng giá bán…).
22 cửa hàng của MWG bị rút ra khỏi hệ thống BigC Việt Nam
Nói về những rào cản để đưa hàng vào các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị cho biết, sản phẩm của họ vốn đã đưa vào toàn bộ hệ thống siêu thị toàn quốc, trong đó có các siêu thị có vốn ngoại như Metro, Big C, Lotte... Thế nhưng, số lượng mã các sản phẩm tương đối ít, chỉ từ 5 - 10 sản phẩm, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm NK và các sản phẩm thuộc các nhà cung cấp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phía công ty này cho biết thêm, cái khó khi vào hệ thống siêu thị ngoại chính là hoạt động chào hàng sản phẩm mới thường mất nhiều thời gian và số lượng mã được chấp nhận rất ít. Một số siêu thị yêu cầu khi chào một sản phẩm mới vào thì phải thay thế bằng một sản phẩm cũ, chi phí tạo mã tương đối cao.
Cạnh tranh không cân sức
Chưa kể, theo than phiền của một DN thực phẩm nội địa, vị trí trưng bày sản phẩm trong các hệ thống siêu thị ngoại chỉ chiếm diện tích rất nhỏ và được bố trí ở góc phía trong hay ngăn dưới cùng của line kệ trong siêu thị. Vì vậy, việc tạo dựng hình ảnh cũng như thúc đẩy doanh số bán còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, các chính sách mà nhà cung cấp phải hỗ trợ siêu thị theo các chu kỳ kinh doanh tháng, quý, năm tương đối cao. Những chi phí này cũng được yêu cầu tăng lên qua mỗi năm.
Theo thống kê, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại... ở trong nước hiện chiếm 25 - 30% tổng mức bán lẻ và có xu hướng tăng lên. Từ giữa năm 2015 đến nay, sự phát triển các hệ thống này càng lúc càng tăng từ dòng đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ thông qua M&A.
Chẳng hạn như Lotte Mart (nhà đầu tư Hàn Quốc, hiện đã có 11 đại siêu thị và dự kiến mở thêm 60 siêu thị cho đến 2020) hoặc Aeon (nhà đầu tư Nhật Bản, có 4 đại siêu thị, đang mua lại thị phần của nhiều DN bán lẻ nội địa có sẵn chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi…).
Nhưng mạnh nhất phải kể đến các tập đoàn bán lẻ Thái Lan, trong nửa đầu năm 2016, như: Central Group (mua 100% hệ thống BigC Việt Nam với số vốn 1.145 triệu USD), TCC Holding (mua 100% hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với 695 triệu USD).
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Coop, nhận định lợi thế của các nhà phân phối nước ngoài hiện nay là có quy mô lớn với các sức mạnh về tài chính, sức mạnh đàm phán mua hàng và kinh nghiệm quản trị điều hành.
Chính lẽ đó, sau M&A của khối ngoại, theo ông Hòa, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu.
Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Ngọc Hòa, các cơ quan quản lý cần kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.
Về phía các nhà bán lẻ trong nước, như lưu ý của ông Hòa, cần liên kết các nhà bán lẻ Việt hình thành liên minh trên lĩnh vực phân phối với nhiều phương thức như hợp tác, liên doanh, nhượng quyền…
Với các nhà sản xuất nội địa cũng vậy, bên cạnh việc tăng cường các mối liên kết thì cần phát triển mạng lưới phân phối mạnh, chủ động, không để bị động, lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào.
Thế Vinh