Cụ thể, hạt điều Việt Nam chiếm 99% thị phần nhập khẩu nhân điều của Australia, 97,8% của Trung Quốc, 97,66% của New Zealand, 78,61% của Hàn Quốc, 55,22% của Nhật Bản,… (ITC, 2020).
Ngành điều Việt Nam đang tập trung và đổi mới, sáng tạo để duy trì vị thế tại các thị trường trong khối RCEP. |
Hiện nay các doanh nghiệp ngành điều đều đang rất quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và hiệu lực thi hành, trong đó có Hiệp định RCEP bởi đây là những thị trường có vị trí chiến lược của ngành điều Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang tiếp cận trực tiếp và làm việc hiệu quả với các đối tác lớn của khối, tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu, tập quán thương mại và từng bước nâng cấp cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu chuẩn, kỹ thuật để đáp ứng cho khách hàng.
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh vẫn luôn tìm cách gia tăng thị phần, vì vậy ngành điều Việt Nam cần phải luôn tập trung và đổi mới, sáng tạo mới có thể duy trì vị thế tại các thị trường này trong thời gian tới.
Hiện các doanh nghiệp đang ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp ở một số quốc gia, như Trung Quốc còn đang áp dụng chính sách “Zero Covid”. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động trong ngành logistics, tình hình kẹt cảng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải liên tục tăng cao,…
Trong bối cảnh đó, Vinacas đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến, tăng cường khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và ngành hàng, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu cho hạt điều Việt Nam; hỗ trợ Vinacas và doanh nghiệp trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại (trong và ngoài nước) cho sản phẩm hạt điều.
Đ.A