Vừa qua, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh một cửa hàng mỹ phẩm có tên gọi F.Beauty trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) mang nhận diện thương hiệu và gắn logo của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).
Đáng chú ý, thông tin tuyển dụng nhân sự của F.Beauty xuất hiện trên website chính thức của FPT Reatil, được giới thiệu là phân mảng bán lẻ mới của doanh nghiệp (DN) này, chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp nhập ngoại chính hãng.
Tiềm năng lớn chờ khai phá
Nếu thông tin trên là chính xác thì cũng không quá khó để lý giải nguyên nhân của động thái “lấn sân” của “ông lớn” ngành bán lẻ này. Bởi với mức sống được nâng cao, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm để chăm sóc sắc đẹp như một nhu cầu thiết yếu. Do đó, “ngọt ngào” là từ mà các nhà đầu tư luôn nhắc tới thị trường chăm sóc sắc đẹp đầy tiềm năng.
Theo dữ liệu từ Mintel - công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại London, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam đang có trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. Dự kiến trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của thị trường mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm của Việt Nam vào khoảng 15 - 20%/năm.
Dân số thuộc tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 33 triệu người vào năm 2020 và tầng lớp này ngày càng gia tăng chi tiêu cho chăm sóc sắc đẹp. Mức tăng trưởng cao của thị trường mỹ phẩm trang điểm Việt Nam còn được phản ánh trong sự gia tăng số lượng người trang điểm cũng như số tiền họ chi trả cho những sản phẩm mỹ phẩm.
Một khảo sát thực hiện tại Tp.HCM và Hà Nội được công bố hồi tháng 6/2019 của Q&Me cho biết số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019).
Có tới 73% phụ nữ sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất 1 lần/tuần hoặc thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.
Một phụ nữ Việt Nam chi trung bình 300.000 đồng/tháng cho các sản phẩm trang điểm, cao gấp đôi so với 2 năm trước. Số phụ nữ chi 500.000 đồng/tháng trở lên cho mỹ phẩm trang điểm chiếm 15% là nhóm phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20-29 có thu nhập hàng tháng từ 20 triệu đồng trở lên.
Sức mua lớn đồng nghĩa với sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường mỹ phẩm. Theo Viện nghiên cứu Yano (Nhật Bản), Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ có kênh trực tiếp, thị trường bán lẻ mỹ phẩm thậm chí “bùng nổ” hơn trên kênh trực tuyến. Cũng trong khảo sát của Q&Me, số người mua sắm mỹ phẩm trực tuyến vẫn đang gia tăng, với 57% số người sử dụng mỹ phẩm đã từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội.
![]() |
Hàng trăm nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam |
Cạnh tranh khốc liệt
Theo các chuyên gia, thị trường mỹ phẩm làm đẹp ở Việt Nam chứa nhiều yếu tố hứa hẹn, bao gồm tầng lớp trung lưu tăng trong khi chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người mỗi năm vẫn còn thấp với 4 USD, trong khi Thái Lan là 20 USD (theo Nielsen). Thế hệ tiêu dùng trẻ quan tâm đến nhu cầu trang điểm và chăm sóc da hơn, kể cả nam giới.
Tiềm năng, quy mô là không thể bàn cãi nhưng thị trường mỹ phẩm Việt Nam vẫn đang trong tình trạng “bát nháo” do nhu cầu cao cũng như sự phát triển của các “sàn” thương mại điện tử.
Hiện, mô hình bán hàng phổ biến trên thị trường là bán hàng xách tay và bán online với chất lượng sản phẩm theo kiểu “tin nhau là chính”. Thực tế, những “miếng bánh ngọt ngào” luôn kéo theo những cuộc đua khốc liệt bởi nhiều thương hiệu ngoại không bỏ qua cơ hội lớn đã cấp tập đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.
Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài chiếm 90% thị phần mỹ phẩm trong nước, đứng đầu là nhà cung cấp Hàn Quốc khi chiếm tới 30% thị phần. Trong khi đó, các DN mỹ phẩm Việt Nam mới chỉ có khoảng 10% thị phần, hầu hết là ở các phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số nước lân cận.
Nguyên nhân mỹ phẩm Việt “thất thế” là do 98% phụ liệu, sản phẩm dùng trong các trung tâm chăm sóc sắc đẹp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, trong khi các DN nội địa lại không có sự kết nối, chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Không chỉ các hãng mỹ phẩm lớn, ngay cả những chuỗi bán lẻ về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam cũng “tranh thủ” sức hấp dẫn của thị trường để mở rộng quy mô. Có thể kể đến chuỗi Medicare, bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2001, hiện có hơn 85 cửa hàng và không ngừng tìm kiếm thêm nhà cung cấp để làm phong phú quầy hàng.
Trong khi đó, đối thủ Guardian dù đến sau 10 năm nhưng cũng có hơn 90 cửa hàng. Đầu năm 2019, thị trường chào đón thêm “đại gia” Watson từ Hong Kong.
Nhìn chung, cửa của thị trường mỹ phẩm còn rộng nhưng trước sự cạnh lớn, kinh doanh mỹ phẩm cũng không phải dễ dàng có lợi nhuận cao. Đặc biệt, đây là mảng kinh doanh có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên luôn cần sự đầu tư lớn và chiến lược kinh doanh bài bản, dài hơi.
Vân Linh