Nhận định về điều hành giá cả trong năm 2017, ông Phú cho rằng Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu tăng CPI đề ra là dưới 4%. Song thị trường cũng chứng kiến một vài “cơn sóng” của giá cả một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn hơi rớt giá thê thảm hồi giữa năm; hay bí đỏ, cà chua, chuối… phải đổ cho bò ăn do không có người mua.
Có nên bình ổn hàng hóa?
Ông Phú cho biết hiện nay, giá thịt lợn hơi tuy có hồi phục ở mức 32.000 – 35.000 đồng/kg, song vẫn chưa đạt được mức mà người chăn nuôi có thể yên tâm tái đàn.
Những khó khăn này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ quả phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan. “Nhiều mặt hàng nhập khẩu đang được bán tại thị trường Việt Nam với giá thấp hơn so với hàng nội địa để cạnh tranh”, ông Phú khẳng định.
Để giữ được mặt bằng giá ổn định, các doanh nghiệp trong nước cần giải quyết 2 vấn đề, đó là giá và hệ thống phân phối.
Hệ thống phân phối hiện nay đang có vấn đề, nhiều nhà cung cấp Việt Nam vẫn phải chi phí 30% doanh thu bán hàng khi đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ.
“Đây là quy luật có tính phổ biến ở thị trường Việt Nam. Chúng ta không phủ nhận kênh bán lẻ hiện đại là rất tốt, nhưng mối quan hệ tử tế của các nhà cung ứng còn có nhiều vấn đề. Trứng vào siêu thị còn phải để dưới gầm kệ vì không có phong bì! Cách làm này đang “giết chết” hàng Việt”, ông Phú nói.
Ngoài ra, cần xem xét lại việc “bình ổn”. Việt Nam đã triển khai chương trình bình ổn giá được 10 năm nhằm mong muốn giữ được giá không bị tăng lên, nhất là vào những thời điểm Tết, mùa lũ lụt… để đông đảo người dân được hưởng lợi.
Tuy nhiên, cách làm này đang tồn tại nhiều điều không hợp lý. Sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả theo cách nói ở trên không đúng với thị trường.
Ví dụ, có những thời điểm thịt lợn tăng giá, người chăn nuôi chưa kịp hưởng lợi thì bình ổn lại ép giá xuống. Trong khi đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng trong siêu thị tăng giá mạnh lại không bình ổn.
“Thông thường, trong kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào những mặt hàng lớn, có ảnh hưởng nhiều tới toàn bộ nền kinh tế, còn với những mặt hàng khác, cách tốt nhất để giá không tăng là trước đó xem nguồn cung có đủ so với nhu cầu hay không và có những biện pháp khuyến khích DN sản xuất, cạnh tranh, cung cấp nhiều hơn sản phẩm chất lượng tốt hơn và giá thành hạ”, ông Phú nói.
![]() |
Nhiều nhà cung cấp Việt Nam vẫn phải chi phí 30% doanh thu bán hàng khi đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ.
Giá thực phẩm dịp Tết tăng 10 - 20%
Nhận định về thị trường giá cả Tết Mậu Tuất 2018, ông Phú cho rằng dựa vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối, cùng với sức mua của thị trường, khó có khả năng đột biến về giá, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp, tiêu dùng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng tươi sống sẽ có biến động tăng, nhưng mức tăng không quá cao. Hệ thống các siêu thị những ngày cận Tết không có đầy đủ mặt hàng như hải sản, tôm cá, các loại rau củ… tươi sống như ngoài chợ.
Khả năng các mặt hàng trên sẽ tăng giá từ đầu tháng 2 đến hết Tết Nguyên đán, với mức tăng từ 10 – 20%. Riêng giá thịt lợn sẽ không có biến động do giá lợn hơi vẫn ở mức thấp và nguồn cung dồi dào.
Để mặt bằng giá không biến động lớn trong dịp Tết, ông Phú cho rằng không cần thiết sử dụng bình ổn giá, nên để giá theo nhu cầu thị trường và cần có “nhạc trưởng” chỉ huy cân đối cung cầu cho mặt hàng tiêu dùng.
Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, CPI tăng 4%, được các chuyên gia kinh tế cho là hợp lý với tình hình kinh tế năm 2018. Tuy nhiên, để đạt được con số này, việc điều hành giá cả thị trường phải đi vào thực chất và quan trọng đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt.
Thanh Hoa