Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định về Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018, với hàng trăm mặt hàng được cắt giảm thuế NK về 0%.
Nông sản giá rẻ đổ bộ Việt Nam
Theo biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định nêu trên, hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc và các nước ASEAN NK vào Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0%. Cụ thể, các mặt hàng có thuế suất 0% như rau củ quả; cá đã được chế biến hay bảo quản; các loại thủy hải sản như tôm, ghẹ, cua, ốc, mực; ca cao và các chế phẩm từ ca cao; chế phẩm từ ngũ cốc, bột; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò, cừu, dê; gia cầm sống…
Theo cam kết trong ACFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ, đưa về 0% khoảng 90% dòng thuế, có lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020.
Điều này cho thấy, hàng Trung Quốc, ASEAN sẽ có rất nhiều thuận lợi khi vào Việt Nam mà cạnh tranh nhất là về giá. Đặc biệt những thống kê hiện tại cũng cho thấy Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và ASEAN.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường NK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 36 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 21,3 tỷ USD.
![]() |
Nông sản NK cần được kiểm soát chất lượng chặt chẽ
Thời gian qua, Việt Nam cũng liên tục nhập siêu từ các nước ASEAN. Theo số liệu 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, Việt Nam NK tới 17,1 tỷ USD từ khu vực này. Nhập siêu của Việt Nam từ khu vực này lên tới 4,6 tỷ USD. Như vậy, khi thuế suất NK còn 0%, hàng hóa từ khu vực này sẽ tăng lợi thế khi vào Việt Nam.
Hàng Trung Quốc, ASEAN vào Việt Nam với thuế 0% sẽ tạo sức ép cực kỳ mạnh lên hàng nội, đặc biệt là những mặt hàng nông sản của ngành nông nghiệp.
Buông lỏng hàng ngoại
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, chỉ rõ, hiện nay, chúng ta nhập các loại mặt hàng nông sản từ Trung Quốc khá lớn, sự cạnh tranh đã rất rõ. Trong khi đó, nhu cầu thị trường thì luôn luôn đa dạng, giá rẻ, thu hút nhiều người mua hơn.
Nhưng theo bà Lan, điều đáng nói ở đây, giá rẻ nhưng lại không đi cùng với hàng rào kỹ thuật cần thiết để chứng minh được về chất lượng nên rất nguy hiểm. “Trên thực tế, bao lâu nay, chúng ta vẫn kêu hàng Trung Quốc “bẩn”, không bảo đảm an toàn, chất lượng, nhưng những cơ quan kiểm định vẫn công bố chất lượng ổn rồi. Thuế 0%, giá rẻ người ta lại càng nhập tràn lan”, bà Lan nói.
Do vậy, theo Chuyên gia Phạm Chi Lan, cần bảo đảm công bằng giữa hàng trong nước và NK bằng cách thắt chặt các biện pháp kiểm soát hàng hóa. “Tức là đừng có mở cửa cho bên ngoài mà không có sự kiểm soát, còn đối với trong nước thì cứ ép không tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước vượt lên”, bà Lan nói.
Bà Lan cho biết thêm, cần phải bảo đảm mỗi lô hàng được NK và kiểm soát bởi ai, như thế nào, những cái đó là rất cần, chứ không phải chỉ có mỗi hàng rào không. Vì “hàng rào” dù có dựng lên mà “người canh giữ” nhắm mắt làm ngơ thì không hiệu quả.
Bà Phạm Chi Lan nói: “Thực tế thời gian vừa qua cho thấy là chúng ta quá chiều chuộng, làm ngơ với nhà đầu tư nước ngoài, những hàng hóa ngoại nhập không có lợi hoặc họ có vi phạm vẫn bỏ qua, trong khi đó lại rất dễ bắt lỗi, bắt nạt chính hàng của mình”.
“Nhiều chuyện đã xảy ra rồi, khi hàng Trung Quốc không bảo đảm vào nước ta nhưng các cơ quan kiểm định lại không phát hiện ra, khiến cho người tiêu dùng an tâm sử dụng. Trong khi đó, đối với những sản phẩm trong nước, thì dù có một vấn đề rất nhỏ, nhưng lại bị phê phán mạnh mẽ”, bà Lan dẫn chứng.
Đồng quan điểm với bà Lan, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng hoa quả Trung Quốc vào Việt Nam với thuế 0% sẽ có cả cơ hội và thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải biến thách thức đó thành cơ hội. Tuy nhiên, chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, bởi việc kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế. Việc dán nhãn cũng vậy. Có khi hàng Trung Quốc lại dán nhãn Mỹ, châu Âu.
Bởi vậy, “Việc siết chặt quản lý chất lượng hoa quả Trung Quốc vào nước ta cần phải đặc biệt chú trọng. Cần thiết, cơ quan kiểm định của hai nước cùng kiểm định”, ông Môn cho biết.
Thy Lê