Tại Việt Nam, những sản phẩm mỹ phẩm, túi xách, quần áo, giầy dép, đồng hồ, kính… mang thương hiệu nổi tiếng, với giá bán lên tới hàng trăm, hàng ngàn USD chủ yếu được tập trung phân phối ở những thành phố lớn, với số lượng cửa hàng, đại lý phân phối không nhiều.
Tuy nhiên, những thương hiệu này lại được NTD Việt sử dụng rầm rộ. Mở những món đồ, hay sản phẩm phụ kiện của những thương hiệu nối tiếng, như túi xách Louis Voution, đồng hồ Rolex, ví Montblanc, kính Rayban, Miu miu, nước hoa Chanel… là những thứ quen thuộc. Phải chăng người Việt đang làm ăn “phất lên trông thấy”?
Hàng giả vẫn “kết”
Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Những thương hiệu mà rất nhiều người Việt đang sử dụng chỉ là hàng fake (hàng nhái), super fake (siêu nhái), có giá khác xa một trời một vực so với những sản phẩm thật.
Chị Lan - nhân viên kinh doanh của một công ty tư nhân, rất hào hứng khi vừa mua được chiếc đồng hồ nhãn hiệu Rolex trắng tại chợ đêm phố cổ, mặt đồng hồ đính rất nhiều hạt xoàn, chỉ với giá 180.000 đồng. Chị cho biết, người bán hàng chào giá chiếc đồng hồ này 500.000 đồng. Nhưng do tuần trước bạn chị đã mua, chị tham khảo biết giá chỉ có vậy, nên mới không bị đắt. Chị Lan cũng biết Rolex là thương hiệu đồng hồ nổi tiếng. Giá mỗi sản phẩm của Rolex có khi lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng hàng chị mua là hàng fake nên chỉ có giá vậy thôi.
Trước câu hỏi sao biết không phải hàng chính hãng mà vẫn dùng, chị Lan cho biết: vì mẫu mã quá đẹp, giá quá rẻ, phù hợp với túi tiền, nên vẫn dùng.
Chị Hải, tín đồ hàng fake khoe vừa mua được chiếc túi với giá hơn 1,5 triệu đồng. Theo chị Hải, hàng fake cũng được phân cấp ra nhiều loại. Người bình dân dùng hàng fake thường, rẻ tiền, mẫu mã không đẹp, chất lượng kém, nhanh hỏng. Dân “chơi”, “sành” phải biết dùng hàng super fake, còn gọi là fake một hay fake nguyên bản, nghĩa là hàng nhái nhưng được sản xuất tinh xảo từ mẫu mã, chất liệu, nhưng chi tiết phụ kiện giống hàng thật tới… 90%. Không ít sản phẩm hàng fake có giá lên tới cả tiền triệu, sản phẩm tinh vi đến nỗi ngay cả người bán hàng hiệu nếu không chuyên cũng khó có thể phân biệt.
Thích sành điệu là tâm lý của rất nhiều NTD Việt Nam và đây cũng là lý do biện hộ cho họ khi đang tiêu dùng hàng nhái, hàng giả.
![]() |
Hàng hiệu xịn hay fake - thật giả khó phân minh
Bao giờ hết loạn?
Khách hàng biết rõ, nhưng vẫn chuộng hàng fake, khiến điều này trở thành mảnh đất màu mỡ cho giới kinh doanh hàng fake kiếm lời. Chưa bao giờ hàng fake được bày bán một cách công khai và tràn lan như hiện nay.
Anh Hùng - dân chuyên buôn kính hàng fake, cho biết anh lấy hàng từ một người dân sống ở làng kính Lịch Động (Đông Hưng, Thái Bình). Anh Hùng tiết lộ, các loại kính fake, super hàng hiệu “thượng vàng hạ cám” đều được tuồn ra từ ngôi làng này.
Trước kia, Lịch Động sản xuất nhiều kính, nhưng giờ chủ yếu là buôn hàng từ Trung Quốc. Một chiếc kính nhập từ làng này, qua tay dân buôn, cũng vô cùng rẻ về mức giá, có thể rẻ tới 10.000 đồng/sản phẩm, thậm chí 600.000 - 800.000 đồng/sản phẩm tùy mức độ tinh vi của hàng hóa. Cũng chiếc kính Miu Miu hàng super fake, anh nhập với giá 650.000 đồng, bán ra 800.000 đồng thì một shop hàng Online có tiếng ở Hà Nội bán với giá 1,7 triệu đồng mà khách hàng vẫn ào ạt mua.
“Phải nói là kính hàng super fake cực chất, từ màu mắt, độ trong của mắt kính, chi tiết in tên thương hiệu đến gọng kính… Tất cả đều rất “nuột”. Nếu không chuyên về kinh doanh kính, thì người bán hàng cũng khó lòng phát hiện sự khác biệt”, anh Hùng bật mí.
Nhiều trang mạng cũng rao bán những mặt hàng fake, super fake với giá “bèo”. Thậm chí, có những trang công khai nhận mình bán hàng fake, nhưng là fake nguyên bản. Nói một cách dễ hiểu là họ ngang nhiên khẳng định: “Tôi đang bán hàng nhái đây”. Thậm chí những người bán hàng này còn nhiệt tình tư vấn cho khách hàng những chi tiết để phân biệt đâu là hàng fake một, fake hai hay fake bình dân…
Theo một chuyên gia tư vấn luật của công ty Luật Dương Gia, hành vi bán hàng fake còn gọi là hàng nhái, hàng giả là vi phạm quy định của pháp luật. Trong trường hợp người kinh doanh hàng fake, dù khách hàng vẫn biết mặt hàng của người bán là hàng nhái hàng giả, nhưng vẫn đồng ý mua, thì khi bị cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi buôn bán hàng giả hàng nhái này, người bán vẫn sẽ bị xử lý theo quy định đại Điều 13, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của NTD.
Sự ngang nhiên, công khai vi phạm luật đã rõ bởi cả người bán lẫn người mua đều biết rõ sản phẩm giao thương của mình. Khi nhu cầu sính ngoại, thích sành điệu nhưng không chịu bỏ tiền ra để mua sản phẩm với giá cả tương xứng với chất lượng hàng hóa của nhiều NTD Việt còn phổ biến, thì những người kinh doanh mặt hàng fake vẫn còn đất sống thậm chí sống rất khỏe.
Và, câu hỏi bao giờ hết loạn hàng fake chắc còn bỏ ngỏ, khi chưa có sự vào cuộc gay gắt của lực lượng chức năng có liên quan.
Thu Hường