Để bảo đảm nguồn cung, tránh tình trạng “găm” hàng, sốt giá cục bộ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố cùng phối hợp với các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị đầy đủ hàng hóa Tết, bảo đảm cung ứng thị trường và triển khai các biện pháp bình ổn giá, nâng cao chất lượng.
Nguồn cung dồi dào
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết: “Nhu cầu hàng hóa dịp Tết thường tăng gấp đôi so với bình thường. Do đây là mùa cao điểm mua sắm, vì vậy, nhiều DN đã chuẩn bị hàng hóa, tung các sản phẩm mới, tích cực tham gia cac chương trình bình ổn giá và cam kết không tăng giá trong suốt 2 tháng trước và sau Tết”.
Tại các thành phố lớn, hoạt động chuẩn bị cung ứng thị trường Tết đã bắt đầu từ đầu tháng 11, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.
Điển hình như tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố đã sớm lên kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết tăng từ 10 - 15% so với bình thường. Theo kế hoạch, thành phố sẽ dành 23.130 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn cung hàng Tết (tăng 10% so với kế hoạch dự trữ năm 2016).
Tại Tp.HCM, các DN cũng chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tăng hơn 15 - 20% so với chỉ tiêu thành phố giao. Dự kiến sẽ có trên 17.000 tỷ đồng hàng hóa dự trữ, sản xuất và cung ứng trong 2 tháng trước và sau Tết. Trong đó, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm khoảng 7.000 tỷ đồng.
Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, nhiều nhóm hàng thiết yếu như thịt, trứng, gạo… sẽ được chuẩn bị kỹ càng, với số lượng lớn chi phối 35 - 52% nhu cầu thị trường, bảo đảm giá cả dịp Tết sẽ ổn định. Cùng với bình ổn giá, sẽ có hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị 1.200 tỷ đồng.
![]() |
Bình ổn giá, bảo đảm chất lượng là vấn đề không dễ dịp Tết
Theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, do Tết Nguyên đán 2017 sẽ đến sớm hơn so với các năm trước, các DN cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm để đáp ứng thị trường. Các mặt hàng chủ lực mùa Tết là bia, nước giải khát, thuốc lá, cà phê, bánh kẹo, thực phẩm. Người dân sẽ bắt đầu dự trữ đồ uống, bánh kẹo từ tuần 8 đến tuần 5 trước Tết.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng hóa Tết Nguyên đán 2017 sẽ dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, hai vấn đề mà người dân quan tâm nhất là giá cả và chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Thực tế các năm trước cho thấy, dù luôn có những đợt “ra quân” rầm rộ, nhưng kết quả khi vào Tết, giá cả thị trường và chất lượng hàng hóa vẫn rất khó lường.
“Siết” quản lý giá cả, chất lượng
“Sốt” giá vẫn luôn là vấn đề “nóng” nhất trong dịp Tết. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, chia sẻ: “Dù được dự báo giá cả không tăng, nhưng khi nhu cầu tăng thì giá sẽ tăng theo. Điển hình như Tết 2016, từ 27 - 30 Tết, giá cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau quả, hải sản… tại các chợ đã tăng khá mạnh từ 20 - 30%, thậm chí 40%”. Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với nguồn cung dồi dào, khả năng “sốt” giá sẽ không cao, nhưng với các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, đặc biệt là hàng tươi sống, dự kiến sẽ tăng 10 - 15% trong những ngày cận Tết.
Để giải quyết vấn đề nhiều chuyên gia thị trường cho rằng cần có cơ chế giám sát thị trường, cạnh tranh lành mạnh, ngăn độc quyền, mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Giá cả tuân theo quy luật thị trường, nếu thị trường được quản lý tốt thì giá cả sẽ ổn định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay: “Bên cạnh công tác điều phối thị trường của cơ quan chức năng, vai trò của người dân cũng đóng vai trò quan trọng. Giá cả Tết tăng một phần do tâm lý mua sắm cập rập của người dân. Vì vậy, người dân cần có sự chuẩn bị trước cho dịp Tết, tránh việc đổ xô đi mua hàng khi Tết đã quá gần”.
Bên cạnh gánh lo về giá cả, chất lượng cũng là vấn đề “nóng” cần quan tâm. Diễn biến của các năm trước cho thấy, để “cá kiếm” dịp cuối năm, nhiều DN chạy theo số lượng, dùng chiêu lách luật, “rút ruột”, giảm chất lượng hàng hóa để lừa đảo người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, truy suất nguồn gốc hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc - đại diện Sở NN&PTNT Tp.HCM, cho biết: “Từ 16/12, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo sẽ chính thức vận hành với 351 điểm bán, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi với các sản phẩm khác. Bên cạnh truy xuất thịt, các sản phẩm rau cũng sẽ được triển khai các hệ thống truy xuất. Hiện tại, đã có 47 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, với hơn 400 điểm kinh doanh, sản lượng 132.000 tấn/năm”.
Chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cũng là “cuộc chiến” quan trọng trong dịp Tết sắp tới. Ông Nguyễn Trọng Tín - Cục Phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết: “Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu từ nay đến sau Tết. Tăng cường giám sát các quy định về giá, niêm yết giá. Xử lý nghiêm các gian lận, đầu cơ, ép giá, tung tin đồn thất thiệt, gây bất ổn thị trường”.
“Bản thân người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm, chủ động đấu tranh chống hàng lậu, tố giác hành vi gian lận, lưu thông hàng giả, hàng nhái”, ông Tín, nhấn mạnh.
Hiến Nguyễn