Nói tới các sản phẩm cá ngừ, nhiều người tiêu dùng Việt cảm thấy xa lạ dù đây là sản phẩm của Việt Nam. Trong khi đó, không ít người sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua các loại hải sản ngoại như tôm hùm Mỹ, cua hoàng đế Alaska, ốc vòi Canada, bào ngư Hàn Quốc, hay các sản phẩm thông dụng như cá hồi…
Quên thị trường nội
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) thủy sản dường như chỉ chú trọng tới chế biến và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, đồng nghĩa với việc để thị trường trong nước cho các thương lái làm chủ, mặc dù tiềm năng phát triển ở thị trường nội địa không hề nhỏ.
Số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, mức tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam năm 2017 đạt 31-32 kg/người/ năm, dự báo sẽ tăng lên mức 44 kg/người/ năm vào năm 2020.
Chỉ tính riêng cơ cấu sản phẩm hải sản tiêu thụ nội địa, năm 2017 là gần 550 nghìn tấn, trong đó thủy sản đông lạnh đạt hơn 229 nghìn tấn, nước mắm đạt hơn 208 nghìn tấn, tiếp theo là thủy sản khô, đồ hộp thủy sản và các sản phẩm khác. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về sản lượng là 5,5%.
Thống kê trên chỉ mới có các sản phẩm hải sản, chứ chưa có thống kê cụ thể đối với các sản phẩm thủy sản nước ngọt, thủy sản nuôi nước lạnh.
Về giá trị, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa lên đến hơn 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, con số không nhỏ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị cao hơn tăng trưởng bình quân về sản lượng, cho thấy chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng ngày càng lớn.
Đánh giá về dư địa phát triển thị trường trong thời gian tới, theo các chuyên gia, với hơn 92 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch, mức tiêu thụ trong nước đến năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn, thị trường nội địa rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam.
![]() |
Nói tới các sản phẩm cá ngừ, nhiều người tiêu dùng Việt cảm thấy xa lạ |
Bỏ tư tưởng sân nhà là dễ tính
Tiềm năng lớn nhưng sự cạnh tranh chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt. Khẳng định phục vụ thị trường nội địa là ưu tiên số một của công ty, ông Nguyễn Hữu Miền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long, cho biết ngay từ đầu, DN đã tiến hành đa dạng các sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối để cung cấp vào thị trường. Trong đó, tại thị trường Hà Nội, công ty đã lắp đặt hệ thống kho lạnh tại chỗ để thuận tiện cho việc đáp ứng tất cả các yêu cầu của các kênh phân phối, giảm thiểu chi phí vận chuyển xa.
Ông Miền cũng chia sẻ chỉ một chút lơi là, sản phẩm của công ty làm ra sẽ không thể có chỗ đứng trên thương trường. Ngoài sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ với các nhà sản xuất trong nước có quy mô lớn, mà còn cả với các DN từ nước ngoài đang đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, điểm khó khăn đối với các DN khi khai thác nội địa là vấn đề chất lượng sản phẩm.
Ông Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng hiện nay, nhiều DN thủy sản quan niệm thị trường trong nước dễ tính nên không chú ý tới chất lượng. Cứ cái gì ngon, bổ, an toàn thì đem đi xuất khẩu. Tuy nhiên, quan điểm này cần xem xét lại. Người Việt cũng cần phải được sử dụng sản phẩm an toàn bằng hoặc thậm chí cao hơn so với sản phẩm xuất khẩu. Giá cả nhiều khi không phải vấn đề lớn khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra 500.000 – 600.000 đồng để mua một kg cua biển, miễn sao sản phẩm đó an toàn.
Chưa kể, vấn đề thiếu thông tin đang là rào cản trong việc phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản trong nước. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến con cá ngừ của Việt Nam.
Nguyên nhân là do khâu phân phối sản phẩm thủy sản còn nhiều hạn chế, đơn hàng lẻ tẻ, không lớn như xuất khẩu với hàng chục, thậm chí hàng trăm container cùng lúc. Đặc biệt, chi phí vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc cao khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, các DN e ngại.
Để thúc đẩy thủy sản tiêu thụ tại thị trường nội địa, theo các chuyên gia, cần rà soát lại những chính sách đang thực hiện, để bổ sung, thay thế những chính sách không còn phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng, gia tăng giá trị đối với sản phẩm…
Thy Lê