Cho đến nay, nguyên liệu gỗ được cấp chứng chỉ vẫn là thách thức lớn cho các DN XK gỗ của Việt Nam. Hiện, nguồn cung gỗ được chứng nhận hợp pháp trong nước mới chỉ đáp ứng 20% lượng gỗ và đồ gỗ XK sang thị trường EU, 80% nguyên liệu còn lại phải NK.
Cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ
EU với 28 nước thành viên hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với khoảng 500 triệu dân và những nền kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của các nước EU hiện đạt khoảng 1/4 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu.
Theo Ts. Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend, EU là thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam, đứng thứ tư sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng về đồ gỗ (HS 94), EU là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Năm 2014, kim ngạch XK gỗ và các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ EU đạt 703 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với năm 2013 (608 triệu USD). Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 442 triệu USD từ thị trường này. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012 - 2014 bình quân đạt 2,2%/năm.
Trong khối EU, các quốc gia quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Anh, Đức, Pháp. Kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm 2/3 trong tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ khối EU. 4 mặt hàng XK quan trọng nhất của Việt Nam gồm đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.
![]() |
Việt Nam dù có gỗ nhiều, song gỗ FSC chưa nhiều
Rủi ro lớn nhất là nguồn gốc gỗ
Những năm gần đây, ngành chế biến và XK gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với EU (FTA VN - EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hội nhập sẽ là cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút các dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, đẩy mạnh sức cạnh tranh và phát huy được lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu của Việt Nam. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho rằng mặc dù thị trường EU có nhiều thuận lợi như XK gỗ đạt thuế 0%, nhưng hàng rào phí thuế quan sẽ tăng lên, như hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại và đặc biệt là hàng rào chống tự vệ chống trợ cấp chông bán phá giá luôn luôn rình rập với thị trường gỗ Vviệt.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu gỗ ngày càng tăng, có khả năng sẽ tăng lên 20 - 30% trong thời gian tới, trong khi giá bán không tăng. Đáng chú ý, đồng tiền Euro thời gian qua không ổn định, năm 2014 bị mất giá khiến một số DN thua lỗ và gần đây Mỹ lại tăng tỷ giá đồng USD.
Ông Quyền cho rằng vào EU các DN gỗ có nhiều thuận lợi, tuy nhiên rủi ro lớn nhất là tính hợp pháp của gỗ. Mặc dù hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU đều đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường ở mức cao, tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Hiện nay, 100% gỗ Việt Nam XK sang EU đều có chứng chỉ FSC, nhưng Việt Nam dù có gỗ nhiều, song gỗ FSC chưa nhiều, chỉ chiếm tỷ trọng 20% gỗ XK, còn lại phải nhập 80%, nhiều nhất là nhập từ Mỹ.
Thời gian tới, dự kiến lượng gỗ và đồ gỗ XK sẽ tăng, kéo theo nhu cầu nguyên liệu tăng cao. Trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho XK, việc NK nguyên liệu tiếp tục là khó khăn, vì không phải quốc gia nào cũng có gỗ được chứng nhận hợp pháp.
Thu Hường