Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ trong 10 tháng năm 2019 đạt 8,55 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, gần bằng kim ngạch XK kỷ lục của cả năm 2018 (8,907 tỷ USD).
Trong khi đó, thị trường gỗ trong nước hiện nay được đánh giá có giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm 2019 do mức sống của người dân đang được nâng lên.
Dấu ấn thị trường xuất khẩu
Cũng theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt 1,037 tỷ USD, tăng 20,3% so với tháng 9 và 22,69% so với cùng kỳ năm 2018.
Đây là lần đầu tiên chỉ trong 1 tháng, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ vượt mốc 1 tỷ USD. Trước đây, những tháng đạt giá trị XK cao nhất cũng chỉ mới đạt trên 900 triệu USD hoặc tiệm cận mức 1 tỷ USD.
Mỹ là thị trường góp phần lớn vào sự tăng trưởng ngoạn mục của XK gỗ Việt Nam trong tháng 10 vừa qua và từ đầu năm đến nay. Theo đó, trong 10 tháng, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 4,196 tỷ USD, tăng 34,53% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới gần một nửa tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ.
Một thị trường khác cũng đóng góp vào dấu mốc quan trọng của ngành gỗ là Trung Quốc. Tuy không tăng trưởng ấn tượng như thị trường Mỹ, nhưng trong 10 tháng năm 2019, XK gỗ và đồ gỗ sang Trung Quốc cũng đạt 970 triệu USD, tăng 6,37% so với cùng kỳ.
Theo Cục Phát triển thương mại Hồng Kông, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang trong độ tuổi từ 25 - 35, đây là nhóm người tiêu dùng bắt đầu cuộc sống tự lập hoặc kết hôn nên có nhu cầu cao về nội thất.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm nội thất chất lượng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ thúc đẩy thị trường đồ nội thất của Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Theo đó, triển vọng XK đồ nội thất của Việt Nam sang Trung Quốc rất khả quan.
Đồng thời, ngành công nghiệp chế biến và XK gỗ của Việt Nam đã từng bước được định vị, đứng trong danh sách 5 nước chế biến, XK gỗ lớn nhất thế giới.
Từ những dấu ấn trên có thể thấy “vị thế” của đồ nội thất gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới là không thể phủ nhận. Thế nhưng, có một nghịch lý là thị trường gỗ nội thất của Việt Nam lại đang thuộc về những “tay chơi” lớn như Đức và Pháp (phân khúc cao cấp), Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan (các phân khúc còn lại).
![]() |
Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nội thất đang đạt khoảng 30%/năm |
“Miếng bánh” bị bỏ quên
Theo đánh giá của các “tay chơi” kể trên, thị trường tiêu dùng nội thất của Việt Nam đang rất tiềm năng với giá trị ước tính lên tới 5 tỷ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch XK. Đây quả thực là “miếng bánh ngon” mà các doanh nghiệp (DN) trong nước bỏ ngỏ.
Thực tế, với dân số gần 100 triệu người, quy mô thị trường của Việt Nam tương ứng với 5-7 nước châu Âu gộp lại. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, kéo theo đó là sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường mua bán căn hộ, khiến nhu cầu tiêu dùng nội thất tăng cao.
Theo đại diện của một công ty nội thất nước ngoài, nhu cầu nội thất căn hộ tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, chủ yếu là do đa phần các gia đình trẻ tại nhiều đô thị lớn đều lựa chọn sống trong các chung cư.
Với các căn hộ có diện tích 70-80 m2, mỗi gia đình có thể chi tới 300-400 triệu đồng cho khâu hoàn thiện nội thất. Ngoài ra, các sản phẩm nội thất đơn lẻ với nhiều phân khúc giá khác nhau, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, đều có doanh số bán hàng tốt. Với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản thời gian qua, mức độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nội thất đang đạt khoảng 30%/năm.
Trong năm 2018, Việt Nam đã chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, thị trường nội thất Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế.
Hiện, nhiều thương hiệu đồ nội thất gỗ và trang trí đến từ Đan Mạch, Đức, Thụy Điển... đều đang có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam. Ngay như IKEA, thương hiệu nội thất lớn của châu Âu, cũng thành lập một chi nhánh tại Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), việc khuyến khích DN trở về thị trường nội địa, đầu tư bài bản hơn là điều cần làm lúc này để giữ thị phần. Các DN XK phát triển thêm mảng bán lẻ là xu hướng tất yếu trước các biến động thị trường quốc tế.
Vân Linh