Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch CTCP Điện Sài Gòn - Gia Định, đang có một thực trạng là doanh nghiệp (DN) tự bỏ tiền làm hệ thống truyền tải dài 20-30km đấu nối từ nhà máy điện lên lưới điện quốc gia nhưng sau đó khó bàn giao lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tư nhân sẵn sàng
Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời đạt tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất điện quốc gia, vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Do sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới sự quá tải, nhiều nhà máy phải giảm tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, cho biết để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chỉ mất thời gian 6 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải thông thường phải mất từ 2 - 3 năm, nếu vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng… có thể kéo dài thêm 1 - 2 năm.
Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các điểm nghẽn về truyền tải. Sự “bùng nổ” của các dự án điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được khiến nhiều nhà máy phải giảm phát điện từ 10% đến trên 50%.
Trong khi đó, Quy hoạch điện VII tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016 lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể, thích đáng khiến rất ít các dự án NLTT được đề xuất. Quy mô nguồn điện NLTT trên 27.000 MW vào năm 2030 cũng chỉ là tính toán định hướng, vì vậy không thể xuất hiện các đường dây và trạm biến áp truyền tải cụ thể theo từng năm.
Điểm nghẽn về truyền tải còn được thể hiện qua dẫn chứng câu chuyện DN “bỏ tiền túi” ra làm hệ thống truyền tải, xong muốn bàn giao cho EVN lại chưa được chấp thuận.
Đại diện của EVN cho biết có sự khó khăn như vậy bởi trong hợp đồng mua bán điện có ghi rõ trách nhiệm vận hành, mua bán điện là của chủ đầu tư, khi bàn giao cần tách bạch rõ ràng điểm này để tính toán chi phí.
Trong khi đó, ông Toàn khẳng định nếu Nhà nước cần các nhà đầu tư tư nhân gánh vác việc xây dựng truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy điện thì nhóm các nhà phát triển điện tư nhân sẵn sàng tham gia.
Nên khuyến khích DN tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện |
Còn nhiều “khoảng trống”
Thực tế, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn NLTT đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư lớn vào các năm tới.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư lưới điện giai đoạn 2016 - 2020 là 214.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2030 là 610.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, với các quy định, cơ chế độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết trách nhiệm của EVN là xây dựng lưới truyền tải và phân phối nhưng điểm tắc nghẽn vừa qua có nguyên nhân là điện mặt trời và điện gió vượt quy hoạch.
“NLTT là phải phân tán để giảm tải công suất truyền tải, nhưng thời gian qua tập trung quá nhiều vào một số địa phương, khiến lưới truyền tải phải chịu áp lực lớn. Do đó, EVN mong muốn các nhà đầu tư chung tay xây dựng hệ thống truyền tải”, ông Tài Anh cho biết thêm.
Tuy nhiên, Luật Điện lực đang quy định truyền tải là độc quyền nhà nước và hiện chi phí truyền tải là rất thấp, chưa đến 100 đồng/ kWh. Khi DN tư nhân đầu tư truyền tải phải xác định phí truyền tải bù đắp lại khoản đầu tư này, chắc chắn mức giá sẽ không rẻ như vậy.
Thực tế, tư nhân xây dựng lưới điện truyền tải sẽ nhanh hơn về mặt thủ tục, nhưng chi phí đầu tư, phí truyền tải cuối cùng vẫn phải tính hết vào giá điện, mà Nhà nước lại đang điều tiết giá điện nên không dễ tăng lên mạnh được. Trong khi đó, các DN tư nhân phải có lợi nhuận mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư vào truyền tải.
Trong khi câu chuyện về lưới truyền tải có nên tư nhân hóa hay không vẫn chưa có hồi kết, một vấn đề khác đặt ra là sự thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải như thế nào nếu được?
Trả lời về vấn đề này, ông Tài Anh cho biết EVN sẽ nghiên cứu vấn đề làm thế nào để tư nhân tham gia vào xây dựng hệ thống truyền tải để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, thực hiện cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, sau khi đã tính đầy đủ các chi phí vào dự án.
Vân Linh