Hiệp hội cũng đề nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu (XK) từ 30% xuống còn 20% và không khống chế về mặt thời gian để tránh bị ép giá.
Trữ lượng lớn, DN vẫn gặp khó
Báo cáo của Hiệp hội titan cho biết, Việt Nam có 89 mỏ và điểm quặng đã được khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng với trữ lượng và tài nguyên quặng khoáng vật nặng có ích là 657 triệu tấn (trong đó có 78,645 triệu tấn Zircon).
Trữ lượng và tài nguyên dự báo có thể huy động cho quy hoạch khoảng 440 triệu tấn. Với tiềm năng này, dự tính Việt Nam được xếp vào 6 nước đứng đầu thế giới về trữ lượng khoáng sản titan.
Theo Ths. Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện khoa học Công nghệ Mỏ luyện kim, Việt Nam có nguồn tài nguyên quặng titan đã được phát hiện với quy mô lớn. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan hiện đại phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mặc dù vậy, hoạt động của ngành titan Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Tại Đại hội Hiệp hội titan Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6/2019, các đại biểu đã nêu lên nhiều bất cập: giá cả vật tư, nguyên liệu, vật liệu như: xăng dầu, than, sắt, thép, xi măng, điện, máy móc, thiết bị vật tư phụ tùng tăng cao; doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, trong khi lãi suất vay ngân hàng cao; chủ trương tăng thuế XK đối với quặng tinh Ilmenite nhằm hạn chế XK đối với quặng tinh dư thừa sau khi cân đối đủ nguyên liệu cho chế biến sâu cũng gây tác dụng ngược và khiến tình trạng xuất lậu trốn thuế gia tăng; công nghệ chế biến chậm thay đổi khiến nhiều DN phải chống đỡ vất vả để duy trì sản xuất…
Theo ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch CTCP khoáng sản An Khánh (Thái Nguyên), do nhiều điều kiện khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc rớt giá từ trên 300 USD/tấn vào những năm 2013 trở về trước xuống còn hơn 100 USD/tấn từ năm 2017 đến nay đã khiến các đơn vị khai thác, chế biến titan không mấy mặn mà.
Chính sách cấp hạn ngạch XK bị khống chế cả về số lượng và thời gian đã dẫn đến bị đối tác nước ngoài ép giá hoặc tìm đối tác cung cấp khác.
Về mặt chủ quan, nhiều DN khai thác chế biến titan chưa thực sự mạnh về kinh tế, dẫn đến sản xuất cầm chừng. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, các DN càng sản xuất càng gặp khó khăn.
![]() |
Một điểm khai thác titan ở Bình Thuận |
Liên kết nâng cao giá trị sản phẩm
Chủ tịch Hiệp hội titan Việt Nam Lê Văn Lịch cho rằng, để ngành công nghiệp này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Chính phủ và các bộ, ngành sớm phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh theo Quyết định 1546/QĐ- TTg ngày 23/9/2013 để các DN tiếp tục hoạt động trở lại.
Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước có chính sách không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và giảm thuế tài nguyên từ 18% xuống còn 14%, giảm thuế XK đối với các sản phẩm chế biến từ titan, ban hành hệ thống chính sách đồng bộ từ cấp phép khai thác mỏ cho đến đầu tư dự án chế biến, để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN titan.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản từ quản lý, bảo vệ mỏ, đến cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan để chấm dứt ngay tình trạng khai thác, vận chuyển buôn bán trái phép, XK lậu làm thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh thị trường rất khó khăn hiện nay, các DN hầu như không ký kết được đơn hàng, hoặc nếu có thì chỉ là những đơn hàng mang tính chất thời điểm và không dài hạn, khiến cho một số DN phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.
Ông Phan Thành Muôn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư khai thác khoáng sản Hưng Thịnh (Bình Thuận) cho rằng, để giải quyết những khó khăn hiện nay, các DN phải quyết tâm đi vào chế biến sâu. Thời gian không chờ đợi được nữa, các DN phải gấp rút đầu tư một cách bài bản để nâng cao giá trị của khoáng sản titan.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển ngành khoáng sản titan được đề xuất để điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 1546 và sự vào cuộc một cách tích cực của chính quyền địa phương, sự vực dậy của các DN để đầu tư một cách bài bản hy vọng sẽ tạo nên những xung lực mới cho ngành khoáng sản titan.
Từ kiến nghị của Hiệp hội cũng như các DN khai thác và chế biến titan, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, quá trình thành lập Hiệp hội titan Việt Nam trải qua 29 năm thì ông có một nửa thời gian gắn bó với ngành titan và đã chứng kiến được sự thăng trầm của ngành. Chưa bao giờ ngành titan gặp khó như giai đoạn từ 2013 đến nay.
Theo ông Thành, thời điểm từ 2007 – 2013, ngành titan phát triển mạnh, do vậy các bộ ngành và Chính phủ rất kỳ vọng vào việc quy hoạch titan theo Quyết định 1546 với khối lượng khai thác chế biến 2 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, kỳ vọng đó chỉ đạt được khoảng 7 – 8%, tương đương chưa đầy hơn 200.000 tấn/ năm. Những khó khăn mà các DN đang gặp phải, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị các bộ ngành liên quan và trình Chính phủ tìm giải pháp để tháo gỡ.
Ngoài ra, để ngành titan phát triển bền vững, các DN cần có sự liên kết với nhau để sản xuất chế biến sâu chứ không phải “mạnh ai nấy làm” và phải gắn với khai thác, chế biến sâu để nâng cao giá trị của ngành titan Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hà Nam