Theo các chuyên gia, dù đã có nhiều bước đi đúng đắn trong việc phát triển ngành du lịch nhưng Việt Nam đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Nam Á trong việc thu hút khách quốc tế.
Hiện tại, Thái Lan và Malaysia đang xếp lần lượt ở vị trí thứ 9 và thứ 10 thế giới về thu hút khách du lịch. Singapore, Campuchia và Indonesia vẫn đang tiếp tục chú trọng phát triển du lịch quốc tế.
Sân bay quá tải
Cơ sở hạ tầng của sân bay đang là vấn đề then chốt có thể là yếu tố quyết định chính đến khả năng tiếp tục phát triển ngành du lịch của Việt Nam.
Ông Colin Pine, Trưởng nhóm Công tác Du lịch (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – VBF), chỉ ra điểm hạn chế lớn nhất của du lịch Việt Nam là hạ tầng sân bay. Nếu không đầu tư mở rộng công suất và cơ sở hạ tầng, sân bay sẽ là một "nút thắt cổ chai" lớn, gây trở ngại trong việc đưa du khách đến Việt Nam và đến các trọng điểm đã được phát triển là các điểm du lịch chủ chốt.
Hiện tại, Việt Nam có 21 sân bay với tổng công suất phục vụ 75 triệu lượt hành khách/ năm, thấp hơn công suất của sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabumhi (Thái Lan) và sân bay Kuala Lumpur (Malaysia).
Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế và nội địa nhộn nhịp nhất nhưng bị quá tải liên tục. Chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2015 nhưng các báo cáo đầu tư vẫn chưa được hoàn thành.
Đây là một ví dụ điển hình về nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng mà hoạt động phát triển và đầu tư sân bay gây ra trong quá trình tiếp tục phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Theo ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, từ năm 1975 tới nay, Việt Nam mới xây mới sân bay Phú Quốc và mới đây là sân bay Vân Đồn, còn lại là sân bay cũ, sân bay quân sự được cải tạo lại. Với tổng công suất 75 triệu lượt khách/năm, năm ngoái, hệ thống 21 sân bay trong cả nước phục vụ 95 triệu lượt khách, năm nay dự báo là 105 triệu lượt khách.
Hai sân bay quốc tế lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài thường xuyên trong tình trạng quá tải nhưng việc mở rộng rất chậm.
Ông Nam đánh giá, nếu không có chính sách đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay, nhà ga, bến bãi… chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của du lịch.
Hai sân bay quốc tế lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài thường xuyên quá tải |
Thu hút nguồn lực tư nhân
Trước thực tế trên, đại diện nhóm công tác VBF, ông Colin Pine khuyến nghị, trong bối cảnh nguồn kinh phí có thể là vấn đề khó khăn, Nhà nước cần tạo điều kiện thu hút tài trợ từ tư nhân và nước ngoài để phát triển sân bay và cơ sở hạ tầng liên quan, để có thể giúp kết hợp các điểm du lịch với các sân bay quốc tế lớn.
Đặc biệt, cần mở ra năng lực cạnh tranh và phục vụ nhiều hơn trong ngành hàng không bằng cách đơn giản hóa quy trình phê duyệt cấp phép hoạt động hàng không, tăng mức sở hữu nước ngoài.
Ts. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ Tp.HCM, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng vấn đề hiện nay là phải tiếp tục dành ngân sách thỏa đáng để nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi chờ đợi triển khai cụm cảng hàng không sân bay Long Thành (ít nhất phải 7 năm nữa mới hoạt động).
Không riêng Tân Sơn Nhất, hiện nay, bất cập về hạ tầng giao thông nói chung cũng là điểm nghẽn trong phát triển du lịch. Ví dụ như khách quốc tế đến Việt Nam trên những du thuyền 5 sao vẫn chỉ được đón tại cảng container; thậm chí nhiều hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam khiến du khách sợ hãi.
"Bởi vậy, tôi xin nhắc lại khi chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có ngân sách để đầu tư cho ngành du lịch thực hiện các định hướng phát triển về cơ sở hạ tầng. Sắp tới, Chính phủ nên trình Quốc hội một khoản ngân sách dành cho phát triển du lịch", ông Ngân nêu vấn đề.
Nhìn rộng ra, ông James A.Kaplan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor, cho rằng để thành công trong việc tăng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực… cần phải sẵn sàng. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu là bài toán cần phải được giải quyết trong thời gian tới, nếu không đừng mong du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thy Lê