Vậy nên câu hỏi được đặt ra là bài toán khủng hoảng thừa sẽ được giải quyết như thế nào khi tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao?
Những ngày gần đây, cuộc giải cứu lợn hơi đã trở thành phong trào khi các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc cứu đàn lợn. Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 17/5, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ từ 2.000 – 9.000 đồng/kg (tùy theo khu vực) và dự báo tiếp tục có xu hướng tăng.
Nhiều hộ nuôi lợn bị dồn “chỗ chết”
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra, ông Phạm Văn Sơn – Ủy viên Ban Quản trị Tập đoàn BMW, chia sẻ: trước khủng hoảng thừa của ngành chăn nuôi, một số hộ đã bị dồn đến đường cùng, tìm đến biện pháp tự tử do quá lỗ vốn trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ.
Do đó, ông Sơn kiến nghị Chính phủ nên họp để tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đại lý phân phối, hộ nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân.
Cùng với đó, hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo những gói được vay hàng trăm nghìn tỷ đồng để vượt qua thời gian khó khăn này.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng (số chính xác là 29.344 tỷ đồng), cho vay ngắn hạn là 12.655 tỷ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 12.679 tỷ đồng, chiếm 57%, với số lượng bà con nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng.
Theo đại diện NHNN, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại là DN, HTX, mô hình liên kết.
“Như vậy, với khối lượng dư nợ trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng, có thể thấy đó là con số lớn”, đại diện NHNN cho biết.
Vị này cung cấp thêm: “Thời gian vừa qua, giá bán thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỷ trọng lớn với 311 tỷ đồng”.
Nhiều hộ chăn nuôi đã tính tới việc tự tử vì không có khả năng trả nợ như lời của ông Sơn đưa ra là hoàn toàn dễ hiểu.
Trước câu chuyện khủng hoảng thừa của dưa hấu, thịt lợn, chuối… nhiều người đã nhìn xa và lo ngại cho tương lai của gói 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao hiện còn khá manh mún, nhỏ lẻ, có dấu hiệu sản xuất thừa. Khi chúng ta tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp cao, bài toán thừa sẽ được giải quyết như thế nào?
![]() |
Lo ngại câu chuyện khủng hoảng thừa của dưa hấu, thịt lợn, chuối… sẽ còn tái diễn
100.000 tỷ đồng, thừa hay thiếu?
Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, bày tỏ rằng lo ngại này không phải không có lý. “Tôi phải nói rằng dưa hấu, vải không phải là sản phẩm nhỏ nữa, mà là sản xuất lớn theo quy mô của tổng sản phẩm, nhưng nhỏ theo khía cạnh là các hộ sản xuất nhỏ”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, để xử lý tình trạng bất cập này, chỉ có cách duy nhất là phát triển theo tư duy cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, tất cả những người giỏi nhất, DN tốt nhất, công nghệ tốt nhất trong chuỗi giá trị đó được tham gia vào để nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả.
Đồng thời, các hộ gia đình phải liên kết sản xuất với nhau, bước tiến tới là liên hiệp HTX, để họ có những pháp nhân chính thức và chỉ bằng cách đó, họ mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo thương mại chính ngạch thay vì tiểu ngạch.
Dưới góc độ DN, ông Sơn đề xuất rằng tại sao chúng ta không huy động những DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích.
Quay trở lại gói 100.000 tỷ đồng đang được triển khai, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN, cho biết ông đã được nhiều ý kiến hỏi rằng gói 100.000 tỷ đồng là thừa hay còn ít.
“Bây giờ chưa thể nói ngay được gói 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là thừa hay thiếu. Bởi lẽ, nếu nhu cầu của nền kinh tế và của tiêu dùng trong nước cũng như có điều kiện để xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao tích cực, gói 100.000 tỷ đồng chưa chắc đã đủ cho DN, dự án phát triển trong lĩnh vực này”, ông Tú nêu quan điểm.
Ngược lại, ông Tú cũng cho rằng, nếu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bảo đảm đạt mục tiêu hoặc vẫn ở mức thấp, gói 100.000 tỷ đồng này không thể dùng hết.
Ông Tú nói thêm, tình trạng thừa thịt lợn, dưa hấu thời gian qua không phải chỉ do yếu tố nội tại nền kinh tế, tức là do giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu mà có thể còn những nguyên nhân khách quan, như vấn đề xuất khẩu hay vấn đề khác, tạo ra sự đột biến thừa có tính chất rất cấp bách như vậy.
Điều này cho thấy, để triển khai thành công gói 100.000 tỷ đồng, mấu chốt vẫn là giải quyết bài toán thị trường cho nông sản. Nếu bài toán này không được giải quyết triệt để, ngay cả nông sản công nghệ cao cũng có nguy cơ đứng trước khủng hoảng thừa.
Thy Lê