Hai tháng nữa mới đến vụ thu hoạch chính năm 2024. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 78.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 77.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 76.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 78.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 79.000 đồng/kg.
Thị trường có 2 ngày tăng liên tiếp, đưa giá tiêu trong nước tiến sát mốc 80.000 đồng/kg. Đà tăng liên tiếp của giá hồ tiêu một phần đến từ mối lo nguồn cung trong tương lai không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Những năm qua, trước sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng khác có giá trị cao như cà phê, sầu riêng, diện tích và sản lượng hồ tiêu trong nước ngày càng giảm, từ hơn 130 nghìn ha năm 2020 xuống chỉ còn 120 nghìn ha vào năm 2023. Lợi nhuận bình quân từ cây sầu riêng hiện đang cao hơn 20 lần so với hồ tiêu, nên dự báo diện tích hồ tiêu sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tồn kho hiện tại ước tính chỉ 15.000 -20.000 tấn và vụ thu hoạch tiếp theo dự kiến khoảng 140.000 - 150.000 tấn, giảm đáng kể so với năm ngoái. Trong khi vụ thu hoạch chính vụ năm 2024 vẫn còn hơn 2 tháng nữa.
Với diễn biến thị trường hiện nay, giá tiêu trong nước rất dễ cán mốc 80.000 đồng/kg trước khi bắt đầu vụ mới. Nếu kịch bản thị trường lặp lại như năm 2021, giá tiêu nội địa hoàn toàn có thể tăng vượt 100.000 đồng/kg.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.839 USD/tấn, giảm 0,1%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.270 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.025 USD/tấn, giảm 0,12%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.700 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.300 USD/tấn.
Trái ngược với thị trường Việt Nam, IPC liên tục hạ giá tiêu của Indonesia từ đầu tuần.
Tổ chức này nhận định, thị trường tuần trước tiếp tục cho thấy phản ứng trái chiều, khi chỉ có giá tiêu nội địa Sri Lanka ghi nhận giảm.
Cụ thể, ở khu vực Nam Á, sau 2 tuần ghi nhận ổn định, giá tiêu nội địa Sri Lanka giảm trong tuần qua. Còn giá tiêu Ấn Độ đi ngang.
Tại Đông Nam Á, tuần trước giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Malaysia tiếp tục không thay đổi. Cả giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Indonesia đều ổn định trong tuần qua, khi một số nhà vườn ở tỉnh Bangka bắt đầu vụ tiêu mới. Giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Việt Nam ghi nhận tăng trong tuần qua.
NY