Thị trường hồ tiêu trong nước đang bị tác động bởi yếu tố chính trị trên thế giới. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 67.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 65.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 66.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 68.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 68.000 đồng/kg.
Bối cảnh địa chính trị thế giới đang ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu trong đó có yếu tố giá dầu và tình hình thương mại thế giới nói chung. Nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên đã chứng kiến sự sụt giảm của các ngành hàng nói chung, mà nhóm hàng gia vị cũng không phải là ngoại lệ.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý vĩ mô, sức mua, sức tiêu thụ của các thị trường lớn trong đó có Hoa Kỳ và EU là thị trường trọng điểm khả năng sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn.
Theo đánh giá chung, vụ tiêu 2024 sẽ giảm khoảng 10-15%, dự kiến sản lượng thu hoạch ước đạt 160.000-165.000 tấn. Vấn đề hiện tại là làm sao giữ giá để giúp nông dân ổn định diện tích trong điều kiện phải cạnh tranh với các cây trồng khác.
Trên thế giới, năm nay, vụ thu hoạch hồ tiêu tại Indonesia đã kết thúc với sản lượng ước tính giảm. Về xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2023, Indonesia đã xuất khẩu 17.073 tấn tiêu, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Ấn Độ, vụ thu hoạch hồ tiêu tại bang Kerala vào tháng 12 tới dự báo giảm do lượng mưa thiếu hụt ảnh hưởng tới cây trồng trong giai đoạn ra hoa. 8 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 9.925 tấn hồ tiêu, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở Brazil, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil đạt 58.307 tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, cũng giống Việt Nam, xuất khẩu của cả 3 nước sản xuất hồ tiêu lớn đều giảm sút. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính giảm, tuy nhiên mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo thị trường sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn.
NY