Thị trường hồ tiêu đang có những ngày giảm giá, mức cao nhất chỉ còn 70.000 đồng/kg. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 68.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 67.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 67.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 70.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 69.000 đồng/kg.
Trong 2 ngày cuối tháng 6/2023, thị trường trong nước giảm trung bình 1.500 đồng/kg. Nhìn từ đầu tháng 6 tới nay, thị trường trong nước giảm tới 5.500 đồng/kg. Trong khi trước đó, tháng 5/2023, giá tiêu nội địa tăng trung bình 5.500 - 6.000 đồng/kg và đạt đỉnh 76.000 đồng/kg. Tháng 4/2023, giá tiêu cũng tăng trong khoảng 2.500 - 4.000 đồng/kg. Còn tính chung từ đầu năm, giá tiêu nội địa vẫn tăng 10.000 đồng/kg.
Như vậy, sau quãng thời gian dài tăng, giá tiêu đang giảm. Điều này được cho là xuất khẩu đang giảm vì các nhà thu mua đang chờ đợi vụ thu hoạch mới ở Indonesia. Lượng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm mạnh trong thời gian qua vì dường như nước này đã nhập gần đủ số tiêu thiếu hụt trong thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh. Ngoài ra, còn do thông tin về sản lượng vụ mới tăng ở một số quốc gia xuất khẩu cũng như đồng USD cao đang kìm hãm giá tiêu các nước.
Cùng với đó, đồng USD đang hồi phục và dự đoán một đợt tăng lãi suất sắp tới đè nặng lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến thị trường ảm đạm.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp cần thận trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa nhưng giá thấp. Vì khi các nước vào vụ sẽ dẫn đến tình trạng giá xuống nhưng khi giá lên, doanh nghiệp không mua đủ lượng hàng để đáp ứng giao xa thì sẽ gặp nhiều tổn thất cũng như uy tín trong kinh doanh. Những trường hợp như thế này đã xảy ra trong vụ mùa 2022.
Bộ Công Thương đưa ra dự báo, thị trường hạt tiêu vẫn sẽ đối mặt với khó khăn do nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… chậm lại. Tình trạng lạm phát vẫn ở mức cao, bất ổn trên thị trường tài chính được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu giảm.
Dự báo đến quý III và IV/2023, khách hàng sẽ tìm đến các nước sản xuất như Brazil và Indonesia vì đây là thời điểm thu hoạch hồ tiêu của hai nước này.
Đặc biệt, giá tiêu hiện lên xuống thất thường nên thay vì mở rộng diện tích, chuyển đổi cây trồng, người dân, HTX, doanh nghiệp nên chú trọng liên kết sản xuất theo tiêu chí bền vững để nâng cao chất lượng, tạo lợi thế phát triển ngành hồ tiêu.
N.Y