Giá tiêu ngày 30/6 trong khoảng 73.500 - 76.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá tiêu ngày 30/6 giảm 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 74.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 73.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 73.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 76.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 75.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 283,35 rupee/tạ, ở mức 41.516,65 rupee/tạ. Giá tiêu Ấn Độ liên tục giảm trong 1 tuần qua. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 24/6/2021 đến ngày 30/6/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,96 VND/INR.
Thống kê cho thấy, thời điểm cuối tháng 6/2021, thị trường tiêu trong nước điều chỉnh liên tục. Sau quãng thời gian tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg, thị trường trầm lắng vài ngày rồi lại tăng thêm 1.000 đồng/kg. Đến khi các đơn vị ngừng mua vào vì đủ hàng cho xuất khẩu, thị trường lại điều chỉnh giảm nhẹ.
Theo các chuyên gia, mỗi tháng sẽ xuất hiện 1 - 3 đợt tăng nhẹ, bước giá 1.000 - 3.000 đồng/kg, kèm với đó là các đợt điều chỉnh giảm đan xen. Sang tháng 7 - 8/2021, tiêu vụ mới của Indonesia và Brazil sẽ bước vào vụ thu hoạch, thị trường thế giới kỳ vọng giá sẽ giảm. Tuy nhiên theo đánh giá, tại các nước này, sản lượng cũng sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân cũng giống Việt Nam do các yếu tố khách quan thời tiết và sâu bệnh, đồng thời nông dân các nước này cũng không mặn mà với cây hồ tiêu, không chăm sóc khiến sản lượng thấp. Do vậy, khi hai quốc gia trên vào vụ mới, tiêu Việt Nam có thể không mất giá mà còn có khi tăng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện nay, việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hạt tiêu xuất khẩu là rất quan trọng, bởi những đòi hỏi của thị trường ngày càng cao. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn toàn thực phẩm. Do đó, sản xuất bền vững ngành hạt tiêu là một nhiệm vụ quan trọng và là đòi hỏi tất yếu.
Trong bối cảnh giá hạt tiêu biến động, ngành hạt tiêu Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu nguồn cung, trong đó hạt tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị sản phẩm so với các loại tiêu trồng truyền thống.
Thy Lê