Tổng hợp diễn biến giá nguyên liệu sản xuất thép 7 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết kinh tế toàn cầu khó khăn khi lạm phát tăng cao, các ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại, trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng thép.
Biểu đồ bán thép xây dựng từ năm 2019 - tháng 7/2022. |
Giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động mạnh, cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý II/2022 đến nay liên tục giảm, với mức giảm 40-50% so với hồi cuối quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Tháng 7/2022, tình hình sản xuất thép xây dựng có sự phục hồi so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 7/2022 đạt 1.051.934 tấn, tăng lần lượt so với tháng trước là 13,86% và tăng 17,9% so với tháng 7/2021; Bán hàng đạt 1.003.893 tấn, giảm nhẹ 1,52% so với tháng trước nhưng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 209.067 tấn, tăng 20% so với tháng 7/2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép xây dựng đạt 7,76 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021; Bán hàng đạt 7,56 triệu tấn, tăng 5,4%. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,546 triệu tấn, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tình hình bán hàng thép xây dựng trong nước theo khu vực: miền Bắc tăng 2,3%; miền Nam giảm 5,6%; miền Trung tăng 2,9% và xuất khẩu tăng 38,4%. Sản lượng bán hàng thép xây dựng theo cơ cấu mặt hàng: Thép cuộn tăng 19,8%, thép thanh tăng 1,5% và thép hình giảm 4,4%.
Trong khi đó, nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm có thể khiến nhà đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu tư công đã được phê duyệt hơn, nhưng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân các dự án. Kể từ tháng 5/2022 đến nay, giá thép trong nước đã điều chỉnh giảm 12-14 lần, với tổng mức giảm khoảng 3.400- 3.650 đồng/kg tuỳ thuộc từng doanh nghiệp và từng chủng loại sản phẩm.
Giá bán thép xây dựng trong nước kể từ đầu tháng 8/2022 cũng điều chỉnh giảm 2 lần trung bình khoảng 500 đồng/kg, hiện ở mức bình quân khoảng 15.850- 16.500 đồng/kg (chưa bao gồm VAT) tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp và vùng miền cụ thể.
Trước tình hình trên, nhà phân phối cũng tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, các nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu (Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ...). Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao.
Hơn nữa, VSA cho hay mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Hiện nay, các nhà máy áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn, các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa.
Thy Lê