Thiếu lao động thu hoạch là tình trạng chung ở các vùng trồng tiêu hiện nay. |
Cụ thể, tỉnh Gia Lai điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 78.500 đồng/kg cùng với tỉnh Đồng Nai. Sau khi tăng 500 đồng/kg, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang thu mua hồ tiêu với chung mức 79.500 đồng/kg.
Các địa phương còn lại có mức giá ổn định. Giá tiêu tại hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu được duy trì ở mức tương ứng là 80.000 đồng/kg và 81.000 đồng/kg.
Hiện đang là vụ thu hoạch hồ tiêu tại các vùng trồng trọng điểm. Dù chưa thể so sánh được với thời hoàng kim nhưng giá tiêu dao động ở mức 78.500-81.000 đồng được đánh giá là mức cao trong 5 năm trở lại đây. Điều này giúp người dân thấy được niềm tin từ loại cây trồng truyền thống.
Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài nên năm nay cây hồ tiêu ra hoa không đồng đều, lại gặp mưa khiến năng suất một số nơi giảm.
HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (Đăk Lăk) cho biết, HTX hiện có khoảng 20 ha hồ tiêu nhưng do ảnh hưởng bởi sự thất thường của thời tiết nên năm nay, năng suất chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái. Dự kiến, HTX chỉ thu được khoảng 35 - 40 tấn, trong khi năm ngoái đạt trên 100 tấn.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức cao, trung bình 200.000 - 240.000 đồng/ngày; tính theo công khoán 4.000 đồng/kg tiêu tươi. Việc thuê lao động cũng là bài toán đau đầu đối với nhiều nông dân vì nếu tính theo ngày thì năng suất hái không đạt, còn tính theo kg thì khả năng ảnh hưởng đến sản lượng vụ tiêu năm sau do nhân công hái cả cành và lá.
Đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tình trạng thiếu lao động xảy ra. Điều này khiến công tác thu hoạch kéo dài hơn. Nếu tiêu chín mà không thu hoạch kịp cũng ảnh hưởng đến năng suất.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, chu kỳ tăng giá từ năm 2020 đang khuyến khích nông dân tiếp tục duy trì và chăm sóc tốt các vườn tiêu hiện tại. Người nông dân cũng đã tự nhận thức được xu hướng chuyển đổi canh tác theo hướng sạch và bền vững. Đây là điểm sáng cho chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong tương lai.
Như Yến