Khảo sát thị trường cho thấy, dù mới trải qua chưa tới 2 tháng đầu tiên của năm 2022, tuy nhiên các doanh nghiệp thép trong nước đã liên tiếp thông báo điều chỉnh giá bán lẻ thép trong nước. Giá mỗi tấn thép xây dựng tăng 250.000 - 300.000 đồng/tấn so với trước Tết, vượt 17 triệu đồng/tấn.
Giá thép xây dựng có phá đỉnh 2008?
Thời điểm giữa tháng 2/2022, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thông báo mỗi tấn thép cuộn CB240 tăng thêm 250.000 - 300.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1/2022, lên 17,3 - 17,4 triệu đồng/tấn, tùy thuộc vào phương án thanh toán.
Giá nhiều mặt hàng thép xây dựng vượt 17 triệu đồng/tấn. |
Tương tự, một số loại thép của Hòa Phát cũng được điều chỉnh tăng thêm 600.000 - 800.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1. Cụ thể, thép loại D10 phổ biến ở mức 17,15 triệu đồng/tấn, loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng/tấn.
Công ty thép Việt Đức hay Thép Vinausteel... cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2. Như vậy, giá thép trong nước lại tăng rất mạnh, sau nửa năm hạ nhiệt.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng nội địa có thể giữ được tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ lực đẩy của gói đầu tư công và nền kinh tế được tái mở cửa.
Cụ thể, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tổng chi cho các dự án giao thông đạt hơn 570 nghìn tỷ đồng (24,8 tỷ USD), tương đương 42,3% ngân sách trung ương. Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.
Ông Đa cho rằng giá thép biến động theo giá nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới. Mức giá thép xây dựng năm 2021 có điều chỉnh tăng nhưng cũng chưa lên cao được so với mức giá thép xây dựng hồi năm 2008. Do vậy kỳ vọng về mức giá thép tăng đột biến trong năm 2022 cũng không thể xảy ra ngay trong quý I, quý II của năm nay. Dự kiến theo chu kỳ sản xuất thì các sản phẩm thép sẽ tiêu thụ tốt khi bước vào quý III, IV/2022.
Ông Đa đánh giá, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Doanh nghiệp xây dựng lo lắng
Triển vọng ngành thép là rất tốt, nhưng với các công ty xây dựng, việc giá sắt thép tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết sắt thép là vật liệu chính cho xây dựng. Khi mặt hàng này tăng giá thì chắc chắn ảnh hưởng tới chi phí, đội vốn của dự án. Tuy nhiên, mức tác động ít hay nhiều còn tùy thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp trong việc ứng phó.
Theo ông Hải, một số dự án có điều kiện hợp đồng bù giá thì sẽ giảm bớt thiệt hại do trượt giá, nếu không có thì doanh nghiệp xây dựng chấp nhận thiệt hại.
Để giảm tối thiểu mức tác động, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, cần tới việc đa dạng nguồn cung cấp nguyên vật liệu, ký kết hợp đồng mua bán dài hạn, tùy địa điểm công trình thi công để xác định đối tác cung cấp nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển.
Đánh giá vai trò của các dự án đầu tư công rất quan trọng trong việc phục hồi kinh tế, song Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng chỉ ra những khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này, nhà thầu mạnh, trường vốn thì vượt qua được, lấy công trình sau bù đắp lại thiếu hụt trước mắt, song với nhà thầu nhỏ thì đây là câu chuyện lớn.
"Doanh nghiệp tính toán lỗ lớn quá thì không chịu được, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra thách thức trong ngắn hạn.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chia sẻ từ năm 2008 đến nay đã xảy ra nhiều đợt "sốt giá" nguyên vật liệu xây dựng. Giai đoạn 2008-2009, thị trường "sốt giá" sắt thép, kèm theo xi măng; những năm sau là "sốt giá" cát xây dựng, cát san lấp. Thời điểm này, ngành xây dựng đang đứng trước thách thức tăng giá sắt thép, xi măng...
Để vượt qua những "cơn sốt" trên thì văn hóa ứng xử của doanh nghiệp rất quan trọng, cần dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh đây là thời điểm chủ đầu tư và nhà thầu cần chia sẻ rủi ro, thiệt hại với nhau, đồng thời nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu xây dựng.
Đồng thời, chính các doanh nghiệp sản xuất sắt thép cũng phải chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp xây dựng. "Nếu doanh nghiệp xây dựng thua lỗ, dừng hoạt động thì xi măng, sắt thép bán cho ai", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu quan điểm.
Thy Lê