Một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân Ure, Bloomberg đưa tin.
Trung Quốc cấm xuất khẩu phân Ure sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. |
Lệnh cấm xuất khẩu này từ Trung Quốc nguyên nhân xuất phát từ việc “quốc gia tỷ dân” đang lo ngại trước diễn biến thị trường lương thực toàn cầu khi Ấn Độ và UAE đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới tăng cao. Trước đó, giá lúa mì cũng liên tục lập đỉnh do đứt gãy nguồn cung từ Nga và Ukraine.
Được biết, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới. Bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu đều có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của quốc gia này là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia.
Đánh giá tác động của thông tin này tới Việt Nam, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), cho rằng trường hợp Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu ure sẽ tác động rất lớn đến thị trường thế giới vì đây là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu ure.
Sự kiện này cùng với việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen có thể khiến giá ure thế giới tăng và giá ure của thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Tuy nhiên, ông Phùng Hà nhìn nhận, giá phân bón nói chung và ure nói riêng sẽ không thể cao như năm 2022, trừ khi xảy ra những tình huống bất ngờ như xung đột địa chính trị.
“Những động thái từ hai nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga có thể mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu phân bón khác, trong đó có Việt Nam”, ông Phùng Hà nói.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, 4 nhà máy phân ure lớn của Việt Nam sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp vừa cung cấp cho thị trường trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng có thể có động thái kiểm soát xuất khẩu nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Thực tế, trước tình hình giá Ure thế giới biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước đã điều chỉnh tăng giá bán từ đầu tháng 8 vừa qua.
Cụ thể, nhà máy Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure xuất bán tại nhà máy lên mức 10.000 đồng/kg, kho trung chuyển Tây Nam Bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg. Mức tăng dao động từ 500-1.000 đồng/kg.
Nhà máy đạm Phú Mỹ đầu tháng 8 cũng thông báo giá ure mới, trong đó giá ure Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg. Tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg.
Nhà máy Đạm Ninh Bình thông báo tăng 300 đồng/kg lên thành 9.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8. Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán tại nhà máy 200 đồng/kg lên mức 9.000 đồng/kg.
Thy Lê