Chưa có con số thống kê chính thức từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về số lượng lợn đến thời kỳ xuất chuồng vẫn bị dồn ứ tại các trạng trại chăn nuôi và các xe chở lợn ở cửa khẩu trong thời gian qua. Tuy nhiên, thiệt hại trước mắt dễ thấy nhất, đó là giá lợn đang “lao dốc” không phanh. Còn người chăn nuôi chấp nhận bán tháo, để tránh tình trạng lợn chết do quá nóng, đói hoặc giẫm đạp lên nhau.
Phớt lờ cảnh báo
Còn nhớ, thời điểm cách đây hơn một tháng, trước hiện tượng thương lái Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam để thu gom lợn XK sang Trung Quốc với giá cao, khiến người tiêu dùng tăng gia tái đàn. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo thị trường Trung Quốc chỉ “chớp nhoáng”, không bền vững, vì mua bán tiểu ngạch, không có hợp đồng. Người dân cần chủ động, chớ thấy giá cao mà ồ ạt vào đàn lúc này có thể dẫn đến dư hàng như dưa hấu.
Lời cảnh tỉnh phát đi chưa kịp nguội, thì gần tuần nay, thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua lợn, người chăn nuôi và thương lái Việt Nam trở tay không kịp.
Hàng trăm chuyến xe chở lợn đang ách tại cửa khẩu Lạng Sơn những ngày qua. Khi bị ách lại, thương lái buộc phải tính hai phương án, hoặc là chờ đợi phía Trung Quốc “mở cửa”, hoặc là bán “tháo khoán” ra thị trường. Song, phương án một khó khả thi. Bởi vậy, thương lái Việt Nam chỉ còn cách quay về thị trường nội địa, hoặc chạy sang cửa khẩu Quảng Ninh để bán theo đường tiểu ngạch.
Theo thông tin từ các chủ thu mua lợn lớn tại Bắc Giang, đến nay, cơ bản số lợn ở các cửa khẩu tiểu ngạch đã được “giải quyết” xong. Anh Lê Mạnh Hùng - một thương lái chuyên thu gom lợn ở Bắc Giang, cho biết: “Một số chủ lợn đưa sang Quảng Ninh tiêu thụ, một số khác bán cho các điểm giết mổ ở Lạng Sơn, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chúng tôi nhập từ miền Nam, với giá 52.000 - 53.000 đồng/kg, tính cả chi phí cũng vào 56.000 - 57.000 đồng/kg. Thế nên, anh nào may thì bán được giá 52, còn lại bán với giá khoảng 50 - 51 là cùng. Nhiều nhà hám lời, buôn hàng chục xe từ miền Nam ra, lỗ đến hàng tỷ đồng trong vụ này”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn, cho biết hiện nay trên các cửa khẩu ở toàn tuyến Lạng Sơn, hầu như không còn các xe chở lợn nữa, do phía Trung Quốc không nhập khẩu lợn Việt Nam. Mặt khác, nhiều xe chuyển sang các cửa khẩu tiểu ngạch ở Quảng Ninh để XK.
Do số lượng lợn tồn đọng quá nhiều, nếu không tiêu thụ nhanh, với thời tiết nắng nóng như thế này lợn sẽ chết, như vậy thương lái sẽ thiệt hại lớn. Vì vậy, nhiều thương lái đã cho xe chạy về các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh tìm kiếm cơ hội xuất lợn theo đường tiểu ngạch mới.
Ông Dương Văn Cơ - Chủ tịch UBND Tp.Móng Cái, cho biết: Lường trước tình trạng náo loạn, ùn ứ xe chở lợn, mất vệ sinh tại các khu vực cửa khẩu do phía Trung Quốc dừng nhập khẩu lợn, hiện thành phố đang tiến hành sắp xếp bến bãi cho các xe chở lợn, không cho xe chở lợn đi vào thành phố và dàn hàng trước cửa khẩu. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ về mặt thông tin tình trạng nhập khẩu lợn từ phía Trung Quốc, còn đến lúc nào phía Trung Quốc nhập lợn trở lại chúng tôi chưa thể trả lời được”.
Giá lợn giảm khi Trung Quốc dừng nhập khẩu
Nguyên nhân do đâu?
Hiện nay, có nhiều luồng thông tin lý giải nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu lợn của Việt Nam.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Ngày 12/5, các thương lái tại Trung Quốc đột ngột dừng toàn bộ giao dịch mua lợn của Việt Nam, do chính quyền nước này xả kho hàng đông lạnh để giải quyết khủng hoảng thiếu.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho hay: Không loại trừ Trung Quốc xả kho hàng đông lạnh (thực phẩm dự trữ quốc gia) do hàng đã cũ và nhập thịt lợn mới vào kho để dự trữ. Một số ý kiến khác lại cho rằng, cũng không loại trừ khả năng các thương lái Trung Quốc đang “làm khó” nông dân Việt theo kiểu mua ồ ạt giá cao rồi đột ngột dừng mua như việc mua vải, mua đỉa trước đây.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lại cho rằng việc tạm ngừng nhập khẩu heo từ Việt Nam là do phía Trung Quốc đang tăng cường công tác kiểm soát kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa.
Song, ông Trọng cũng cảnh báo: “Khoảng 3 - 5 tháng tới, nếu Trung Quốc không nhập nữa, trong khi số heo đang nuôi hiện tại sẽ xuất chuồng, giá sẽ càng giảm mạnh. Nguy cơ người chăn nuôi bị thua lỗ nặng sẽ khó tránh khỏi, do giá heo giống thời gian qua khá cao, từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/con heo 20 ngày tuổi, trọng lượng 5 - 6 kg/con.
Ngoài ra, ông Quang cũng khuyến cáo người chăn nuôi: “Mấy ngày trước thương lái Trung Quốc không chỉ thu mua lợn có trọng lượng, mà còn mua cả lợn sữa. Có thể họ mua lợn sữa để tạo giống, gây đàn, hoặc nuôi để tăng đàn lợn thịt giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu hiện nay. Nếu vậy, khi đàn lợn thịt của họ không thiếu, có thể sức mua sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Thanh Hoa