Giá lợn đang giảm 1.000-2.000 đồng ở một số tỉnh, thành. |
Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang có mức giao dịch là 61.000 đồng/kg. Đây cũng là giá thu mua tại tỉnh Hưng Yên sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở Hà Nội được thu mua với mức 62.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại thu mua với giá trong khoảng 61.000 - 62.000 đồng/kg.
Tai miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể tại Ninh Thuận giảm một giá còn 59.000 đồng/kg, đồng giá với Đắk Lắk và Bình Thuận. Các tỉnh còn lại thu mua với giá trong khoảng 60.000 - 61.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 1.000 đồng/kg. Trong đó, TP HCM, Tây Ninh, Long An và Kiên Giang cùng có giá 59.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại TP Cần Thơ thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch ổn định.
Giá lợn hơi từ 57.000 - 62.000 đồng/kg được đánh giá là tăng khoảng 24-25% so với đáy hơn một năm thiết lập hồi tháng 3. Đồng thời, với giá này, người chăn nuôi một số tỉnh, thành đã bắt đầu có lãi.
Việc giá lợn hơi giảm ngày hôm nay được cho là do ảnh hưởng bởi tình trạng nhập lợn từ một số nước như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan khiến nguồn cung tăng và kéo giá lợn xuống.
Hiện, mức thu nhập của người dân chưa trở lại như bình thường. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng sản xuất kinh doanh chưa như trước, tình trạng thất nghiệp vẫn còn cao. Do đó, người tiêu dùng sẽ vẫn cân nhắc trong việc chi tiêu khiến giá thịt lợn giảm ở một số tỉnh thành.
Nhiều người chăn nuôi có kinh nghiệm chia sẻ, việc giá lợn tăng “nóng” (vào đầu tháng 7) thường không kéo dài. Mặt khác, hiện là cao điểm mùa mưa, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn thường diễn biến phức tạp, khó lường nên họ cũng không vội tái đàn.
Nhiều dự báo cho thấy, từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức người dân có lãi. Bởi thời gian vừa qua, do giá lợn hơi duy trì ở mức thấp trong thời gian dài khiến người dân giảm nuôi, làm giảm nguồn cung. Do đó, nguồn cung giảm nhiều, giúp giá phục hồi.
Nhìn chung, cung cầu thị trường lợn hơi thời gian tới sẽ hài hòa chứ không đến mức độ khan hiếm hay thiếu. Bên cạnh đó, sẽ có sự cân đối rất nhanh bởi sự thay thế của thịt gia cầm hay thủy sản. Người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn cho bữa cơm gia đình.
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 41.480 tấn thịt lợn, giảm 8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu thịt lợn nhiều nhất từ Nga khi 5 tháng đầu năm nay đạt 20.700 tấn, từ Brazil đạt hơn 8.000 tấn, từ Hà Lan hơn 6.600 tấn, từ Đức gần 14.500 tấn. Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada.
Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của Việt Nam là phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…
NY