Chăn nuôi lợn vẫn đang gặp nhiều khó khăn dù giá lợn hơi tăng trong những ngày gần đây. |
Thị trường lợn hơi miền Bắc ghi nhận tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg ở nhiều nơi trong khu vực. Theo đó, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang điều chỉnh tăng lần lượt là 2.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi lên mốc 72.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, Ninh Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và TP Hà Nội ghi nhận mức giao dịch trong khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại chững lại, giá giao dịch phổ biến là 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhìn chung tăng nhẹ ở một vài nơi. Bình Thuận tăng 2.000 đồng/kg lên mức 67.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Cùng tăng 1.000 đồng/kg, thương lái hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng đang thu mua lợn hơi với giá là 62.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận đi ngang, hiện giao dịch tại mức 61.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi đồng loạt tăng từ 1.000 -5.000 đồng/kg. Kiên Giang và Đồng Tháp điều chỉnh tăng 5.000 đồng/kg, lần lượt có giá là 59.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, Hậu Giang và Trà Vinh đang thu mua lợn hơi trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg. Long An, Vĩnh Long và Bạc Liêu tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thương lái đang giao dịch với giá 59.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi tại nhiều tỉnh thành tăng liên tiếp trong những ngày gần đây, vượt mốc 70.000 đồng/kg nhưng theo các chuyên gia, mức giá này hiện cũng chưa đuổi kịp đà tăng của thức ăn chăn nuôi.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 4 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, trung bình hơn một tháng lại có một đợt điều chỉnh tăng giá mới, mỗi lần tăng từ 300 - 400 đồng/kg. Đáng chú ý, các loại thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 300 đồng/kg lại là loại được các trang trại ít sử dụng hơn các sản phẩm được điều chỉnh tăng 400 đồng/kg.
Cũng theo ông Đoán, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người chăn nuôi tạm thời không nên mở rộng quy mô chuồng trại.
Chăn nuôi quy mô nhỏ vài con thì còn có thể chủ động sử dụng thức ăn như ngô, khoai... Nhưng chăn nuôi quy mô từ 50 con trở lên, thì bắt buộc người chăn nuôi phải mua cám. Hơn nữa, trước giờ nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay là tiết giảm chi phí. Song, theo ông Đoán, việc triển khai trên thực tế không dễ như vậy, bởi khẩu phần ăn một con lợn là 2,5kg cám/ngày, nếu bớt xuống 2kg sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi, dịch bệnh.
Như Yến