Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao gây khó khăn rất lớn cho người dân. |
Giá lợn hơi tại miền Bắc không có điều chỉnh mới so với ngày hôm qua. Phần lớn các địa phương trong khu vực tiếp tục duy trì mức giao dịch quanh mốc 56.000 đồng/kg, gồm Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực với mức giá 58.000 đồng/kg. Cùng thu mua chung mức 57.000 đồng/kg có Thái Bình và Ninh Bình, đi ngang so với hôm qua.
Thị trường lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục chững giá trên diện rộng. Theo ghi nhận, mức giá thấp nhất khu vực là 54.000 đồng/kg, có mặt tại hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh. Trong khi đó, Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn tiếp tục neo cao tại ngưỡng 56.000 đồng/kg. Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Đắk Lắk đang giao dịch tại mức 55.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi điều chỉnh 2.000 đồng/kg ở một số địa phương. Theo đó, Cà Mau giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg, ngang bằng với Bình Dương, Long An và Vĩnh Long. Bạc Liêu đang giao dịch với giá 58.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. TP HCM và Tây Ninh hiện thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Trước việc chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá lợn hơi vẫn chưa bảo đảm có lãi, nhiều nông dân, HTX đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân, HTX giảm đáng kể tiền vật tư đầu vào.
Tiêu biểu như HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (Tuyên Quang) đã chủ động tìm nguồn thức ăn thay thế bằng việc dùng sản phẩm nông nghiệp của địa phương (sắn, sắn, ngô, cám gạo, cá vụn…) để làm thức ăn chăn nuôi lợn theo cách riêng. Thức ăn tự phối trộn đã phát huy hiệu quả, giúp HTX tiết kiệm được 20-25% chi phí so với mua thức ăn công nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc nông dân, HTX lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ giảm đáng kể chi phí đầu vào, nhất là chi phí cho thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là định hướng của ngành nông nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho chăn nuôi khi cả nước bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.
Như Yến