Hiện tại, giá lợn vẫn chưa bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi vì giá vật tư đầu vào chưa hạ nhiệt. |
Sau khi giảm nhẹ vào hôm qua, giá lợn hơi khu vực phía Bắc không có thay đổi mới trong hôm nay. Theo đó, Bắc Giang, Hưng Yên và TP Hà Nội tiếp tục là ba địa phương có giá lợn hơi thấp nhất khu vực, ghi nhận ở mức 41.000 đồng/kg. Nhỉnh hơn từ 1 - 3 giá là các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Tuyên Quang, Nam Định, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc khi giao dịch trong khoảng 42.000 - 44.000 đồng/kg. Có giá cao nhất khu vực hiện là 45.000 đồng/kg ghi nhận ở các tỉnh Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình và Hà Nam.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi có chiều hướng chững lại tại nhiều địa phương. Hiện tại, Lâm Đồng và Quảng Bình đang duy trì vị trí dẫn đầu với giá 46.000 đồng/kg và 47.000 đồng/kg. Ba tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Đắk Lắk hiện thu mua lợn hơi với giá 45.000 đồng/kg. Duy chỉ có tỉnh Thừa Thiên Huế là giảm 1.000 đồng/kg, hiện tại ở mức 43.000 đồng/kg.
Còn tại miền Nam, giá lợn hơi đồng loạt đứng yên tại tất cả tỉnh, thành. Trong đó, thương lái tỉnh Đồng Nai và TP HCM đang thu mua với giá 46.000 đồng/kg - mức giá cao nhất tại miền Nam ở thời điểm hiện tại. Nhiều nơi duy trì giao dịch với khoảng giá từ 43.000-45.000 đồng/kg, gồm Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang,.. Với giá 42.000 đồng/kg, Bến Tre hiện là địa phương có giá thu mua thấp nhất khu vực.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện tại, giá lợn vẫn đang thấp, chưa bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi vì giá vật tư đầu vào vẫn chưa hạ nhiệt.
Để giải quyết vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ nông dân đã tìm cách tận dụng các nguồn nguyên liệu để tự phối trộn thức ăn nhằm phục hồi sản xuất
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho rằng: Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, cần xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, bảo quản phụ phẩm phục vụ việc sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần phát triển các hợp tác xã để mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp, với số lượng lớn từ các nhà máy sản xuất, như vậy sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung gian là những đại lý.
Theo các chuyên gia, đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng nhưng có thể sẽ không bằng những năm trước vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường. Việc liên kết sản xuất và tận dụng phụ phẩm để giảm chi phí là cách làm hợp lý giúp người chăn nuôi giảm khó khăn.
Như Yến