Mọi năm, giá heo hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên năm nay, giá heo hơi những ngày qua lại trồi sụt ở mức thấp.
Nhu cầu sụt giảm khiến giá heo hơi xuống thấp
Khảo sát thị trường ngày 22/12, giá heo hơi ở 3 miền vẫn dao động ở mức thấp từ 51.000 - 54.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người chăn nuôi nhỏ, phụ thuộc mua con giống bên ngoài cầm chắc lỗ.
Giá heo hơi đang dưới mốc 55.000 đồng/kg, khiến nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ. |
Tại huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều hộ chăn nuôi heo đã quyết định bán sớm thay vì chờ tới cận Tết mà không rõ giá có tăng hay tiếp tục giảm sâu. Tháng 7 năm nay, ông Nguyễn Văn Biên ở xã Tân Lập (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) quyết định mua thêm 50 con giống, với giá 1,2 triệu đồng/con, cùng với 20 con giống sẵn có để tái đàn. Dự kiến, 70 đầu lợn được nuôi trong quãng thời gian hơn 3 tháng và xuất chuồng vào thời điểm cận Tết.
Tuy vậy, chờ mãi mà giá heo không tăng, ngược lại có xu hướng giảm nên ông Biên đã quyết định bán tháo 40 con heo với giá 51.000 đồng/kg, thay vì chờ tới Tết. “Tôi sợ với diễn biến giá heo như trên, tới Tết có khi giá lại rớt xuống 47.000 – 48.000 đồng/kg thì thua lỗ càng lớn”, ông Biên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu (Sông Lô - Vĩnh Phúc), cho hay với mức giá heo như trên, hộ chăn nuôi như gia đình ông không mở rộng thêm đàn, vì giá thức ăn chăn nuôi càng ngày càng tăng, nếu mở rộng thêm chỉ có nước thua lỗ, nợ nần.
Theo người chăn nuôi, giá heo hơi dịp cận Tết giảm mạnh là do sức tiêu thụ giảm sút, nhu cầu từ bếp ăn công nghiệp giảm sút do nhiều doanh nghiệp thực hiện giãn giờ làm, cắt giảm nhân sự, không tăng ca…
Chia sẻ với truyền thông, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cũng nhận định: Trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn, sức mua giảm sút, việc giá heo hơi giảm thấp cũng là điều đương nhiên. Hiện nay khó có thể tìm được giải pháp nào khả thi vì sức mua yếu, chỉ có thể giảm giá để kích cầu.
Mặc dù vậy, đại diện C.P lạc quan cho rằng đến thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn thì giá heo có thể sẽ tăng lại, tuy nhiên mức tăng vào khoảng 10 - 15%, khó có thể tăng cao hơn được.
‘Đóng băng’ ở thị trường Trung Quốc
Còn theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), báo cáo của Cục chăn nuôi cho thấy đàn heo vẫn duy trì ở mức 28 triệu con, nguồn cung đang ở mức trung bình nhưng thu nhập của người dân rất thấp dù ở thời điểm cận Tết, nhiều nơi người dân chưa có công ăn việc làm nên ưu tiên thực phẩm giá rẻ. Đây là lý do khiến giá heo hơi vẫn ở mức thấp dù thời điểm cận Tết, nếu chăn nuôi theo chuỗi thì không lỗ nhưng nếu phụ thuộc con giống bên ngoài thì khó thoát lỗ.
“Mọi khi dịp Tết, giá heo hơi tăng 10-15%, năm nay nhu cầu không tăng cao nên chắc sẽ khó khăn cho ngành chăn nuôi”, ông Trọng chia sẻ.
Đặc biệt, liên quan tới những băn khoăn của nhiều người chăn nuôi về việc giá heo hơi giảm có phải là do Việt Nam hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc? Ông Trọng lý giải với VnBusiness rằng, từ trước đến giờ Việt Nam chưa hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện mới có sữa, tổ yến là hai mặt hàng chăn nuôi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu thịt heo thì Việt Nam cũng luôn sẵn sàng.
Ông Trọng kể lại thời điểm giai đoạn 2017-2018, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT từng lên các tỉnh biên giới xem khả năng có thể xuất khẩu heo sống sang Trung Quốc được không. Tuy nhiên, phía Trung quốc yêu cầu heo phải tập hợp tại biên giới, nuôi thêm 45 ngày, sau đó lấy mẫu kiểm tra… Điều này cho thấy quá nhiều rủi ro và cuối cùng các doanh nghiệp cũng không thực hiện được. Do vậy, về lâu dài, ngành chăn nuôi heo cần phải tiếp tục đàm phán, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu được thịt heo chính ngạch sang thị trường này thì mới bền vững.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, thị trường Trung Quốc đang chiếm 50% thị phần tiêu thụ đàn heo trên thế giới, 1 năm tiêu thụ khoảng trên 5 triệu tấn thịt. Tuy nhiên, muốn sản phẩm thịt heo cạnh tranh được ở thị trường này thì giá phải rẻ hơn các đối thủ như Đan Mạch, Mỹ…
Liên quan tới thị trường Trung Quốc, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn dẫn số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 6,03 triệu tấn thịt, trị giá 25,99 tỷ USD, giảm 25% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Úc. Tính từ tháng 4 năm 2022, Việt Nam không xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt sang thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, về nhập khẩu, tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm thịt từ thị trường Trung Quốc của Việt Nam trong tháng 10/2022 tiếp tục có xu hướng tăng, tăng 9,6% so với tháng trước và tăng 55,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này là ba ba trơn sống.
Theo báo cáo mới nhất của USDA, Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhập khẩu thịt heo trong những tháng tới, theo các thành phần trong ngành, sau khi hoạt động chăn nuôi thua lỗ trong năm ngoái khiến nhiều người nông dân treo chuồng và rời khỏi ngành, dẫn đến sự sụt giảm lớn hơn thống kê chính thức về sản lượng heo. Như vậy, rõ ràng là thị trường này rất tiềm năng mà ngành chăn nuôi heo Việt Nam cần phải tìm cách thâm nhập để đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững.
Thy Lê