Mới đây, nguồn tin từ hãng Reuters cho biết giá cao su chắc chắn sẽ giảm trong năm 2017 do sản lượng ở các nước sản xuất hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam sẽ hồi phục trở lại. Theo dự báo, sản lượng cao su toàn cầu sẽ tăng lên 12,9 triệu tấn trong năm 2017, từ mức 12,4 triệu tấn năm 2016.
Tuy nhiên, với tính trồi sụt thất thường về giá, sau thời gian “tụt dốc”, từ nửa cuối năm 2016 đến tháng 1/2017, giá cao su bất ngờ có đà tăng mạnh trở lại nhưng lại giảm liên tục từ đầu tháng 2/2017 đến nay khiến những lo lắng về giá trị xuất khẩu cao su Việt Nam đã hiện hữu trở lại.
Giá biến động
Giá cao su trên thế giới trong tháng 2/2017 đã giảm gần 20%, do kỳ vọng sản lượng cao su tại Thái Lan sẽ hồi phục. Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường cao su liên tiếp hứng chịu nhiều đợt bán tháo khiến giá xuống thấp.
Theo giới chuyên gia, việc chính phủ Thái Lan thông báo sẽ bán ra 98.000 –125.000 tấn cao su từ nguồn dự trữ có lẽ là nguyên nhân tác động đến giá cao su giảm. Nhìn chung, do giá dầu giảm gần đây, trong ngắn hạn, dự báo giá cao su sẽ giảm. Tuy nhiên, trong sáu tháng cuối năm 2017, giá cao su có thể sẽ tăng trở lại.
Nhận định mới đây với nhóm ngành cao su, công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, mức biến động của giá cao su có phần tương đồng vơ diễn biến của giá dầu. Còn Reuters nhận định, việc giá dầu bắt đáy gần ba tháng cũng ảnh hưởng một phần lên giá cao su tại thị trường châu Á.
Chuyên gia phân tích Nguyễn Thanh Lâm của Maybank Kim Eng cho rằng trong ngắn hạn, sau giai đoạn tăng mạnh, giá cao su đã điều chỉnh đáng kể từ vùng đỉnh (giảm hơn 20%) nhưng tới hiện tại vẫn chưa có nhiều tín hiệu cho thấy pha điều chỉnh đã kết thúc.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá cao su bình quân năm 2017 được kỳ vọng khoảng 36 triệu đồng/tấn, tăng 16% so với năm 2016. Chính sự hồi phục này của giá cao su sẽ góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cao su nói chung.
Xét về khó khăn, chuyên gia Trương Quang Bình cho rằng về ngắn hạn, giá cao su đang điều chỉnh dù xu hướng dài hạn là tăng. Mặc dù vậy, giá bán bình quân cả năm sẽ duy trì trên 36 triệu đồng/tấn.
Các công ty cho biết hàng tồn kho cuối năm 2016 tương đối thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vào cuối năm 2016 tăng mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng tận dụng xu hướng tăng của giá cao su trong năm 2017.
Tuy nhiên, trong hai năm 2015 và 2016, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 28 – 30 triệu đồng/tấn, nhưng nhận thấy giá cao su tăng trong thời gian đầu năm 2017 nên nhiều doanh nghiệp đã tăng lượng xuất khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 183.891 tấn với giá trị khoảng 371,9 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 2.023 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu cao su thiên nhiên hai tháng đầu năm tăng 27,6% về lượng, tăng 130,4% về giá trị, do giá tăng 80,5%.
![]() |
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su dự kiến sẽ đạt 1,2 – 1,25 triệu tấn trong năm 2017, tăng 5,5 – 10% so với cùng kỳ năm trước.
Thận trọng giá bán
Cũng trong hai tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với 121.498 tấn, chiếm 66,1% tổng lượng xuất khẩu (tăng 56,9%), giá trị đạt 251,5 triệu USD (tăng 192,4%). Tiếp đến là thị trường Malaysia 8.125 tấn, chiếm 4,4% tổng lượng xuất khẩu (giảm 4,2%) và Hoa Kỳ đạt 7.816 tấn, chiếm 4,3% (tăng 33,2%).
Nhận định mới đây về hoạt động sản xuất kinh doanh của một “ông lớn” trong ngành cao su là công ty CP cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR, trụ sở tại Bình Dương), giới phân tích cho biết công ty này đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2017 với sản lượng giảm và giá bán bình quân đạt 35,6 triệu đồng/tấn.
PHR đặt kế hoạch năm 2017 với lợi nhuận công ty mẹ giảm. Công ty đưa ra một số giả định cho kế hoạch kinh doanh công ty mẹ như sau: Mủ từ vùng trồng cao su của công ty dự kiến giảm 14,7% xuống còn 14.000 tấn. Mủ thu mua từ bên ngoài giảm 16,8% xuống còn 12.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ đạt 29.500 tấn (giảm 4,4%). Giá bán bình quân dự kiến tăng 15,7% lên 35,69 triệu đồng/tấn.
Hiện, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang áp dụng mức giá kế hoạch năm 2017 là 35 triệu đồng/tấn cho các công ty con. Mức giá này tương ứng với 60% giá cao su hiện nay và giới phân tích cho rằng mức giá bán đặt ra là thận trọng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang kỳ vọng mức giá trung bình năm 2017 vào khoảng 38 – 40 triệu đồng. Theo xu hướng cao su thế giới của các năm trước, giá cao su vào thời điểm cuối năm có thể đạt 40 – 44 triệu đồng/tấn, tương ứng với mức giá cao su trung bình của năm dao động quanh mức 41 – 42 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su dự kiến sẽ đạt 1,2 – 1,25 triệu tấn trong năm 2017, tăng 5,5 – 10% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn đa phần là sản phẩm thô (mới qua sơ chế là chủ yếu), còn xuất khẩu các sản phẩm cao su của Việt Nam có giá trị chỉ bằng 1/10 của Thái Lan hoặc Malaysia.
Chính vì vậy, mục tiêu của ngành cao su Việt là đến năm 2020, chỉ xuất khẩu thô 50% sản lượng cao su; số còn lại sẽ được tinh chế rồi mới xuất khẩu để tăng giá trị cho cao su thiên nhiên Việt Nam.
Song, để làm được điều này, rất cần có tiếng nói chung và sự hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sử dụng cao su thiên nhiên, cũng như sự trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin một cách thường xuyên giữa các doanh nghiệp trong ngành cao su.
Thế Vinh