Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến tháng 9/2015, Việt Nam xuất khẩu được 3,885 triệu tấn gạo. Theo đó, trị giá FOB 1,623 tỷ USD, trị giá CIF 1,672 tỷ USD, giảm khá cao so với cùng kỳ 2014 cả về số lượng và giá trị. Ước tính cả năm 2015, sản lượng lúa Việt Nam đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng 0,3% so với 2014.
Nông dân, thương lái cùng khốn khổ
Trong khi thị trường gạo xuất khẩu ảm đạm thì thị trường gạo trong nước cũng không khả quan hơn. "Vựa lúa" ĐBSCL đang vào cuối vụ hè thu, một số tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ,… đã bắt đầu thu hoạch lúa thu đông sớm. Tuy nhiên, giá lúa, gạo "lẹt đẹt" khiến người nông dân âu lo.
Theo người trồng lúa, thời tiết thất thường, mưa lụt triền miên khiến năng suất lúa giảm mạnh, thu hoạch khó khăn, nhiều loại chi phí phát sinh. Trong khi giá lúa bán ra liên tục sụt giảm, khiến đời sống của người nông dân lâm vào khốn cùng.
"Giá lúa thấp, trong khi năng suất giảm nên vụ này nhà tôi chỉ lời vỏn vẹn khoảng 600.000 đồng/công, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước", một nông dân cho biết.
![]() |
Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam "lao dốc không phanh" là do nguồn cung đang vượt xa cầu.
Ông Phạm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) chia sẻ: "Hộ nào canh tác tốt thì còn có lãi 0,5-1 triệu đồng/1 công. Nhà nào kém may thì hòa, thậm chí là thâm vốn. Bà con nông dân đang thực sự lâm vào khốn khó".
Không riêng người nông dân khốn khổ, thương lái cũng lâm vào cảnh te tua không kém. Theo giới thương lái, gần hai tháng qua, 60% – 80% thương lái bị thua lỗ. Bình quân cứ 40 tấn lúa, thương lái lỗ bị lỗ 6-10 triệu đồng. Nguyên nhân lại là vì chất lượng gạo thấp, thất thoát và giá "bèo".
Ông Chương, một thương lái ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), thừa nhận: "Chưa bao giờ chúng tôi rơi vào khó khăn như hiện tại. Mua nhiều thua nhiều, mua ít thua ít. Nhiều người không chịu được "nhiệt" phải neo ghe tạm nghỉ do… kiệt sức".
Nghịch lý "cường quốc" gạo
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đưa ra nghịch lý đáng suy ngẫm: "Trong 5 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong 8 tháng đầu năm 2015, 4 nước là Hoa Kỳ tăng 34%; Pakistan tăng 20%; Ấn Độ tăng 18%; Thái Lan tăng 2,2% về giá trị; riêng Việt Nam lại giảm 13%".
Đây thực sự là một nghịch lý nếu nhìn vào một nước đứng "top" xuất khẩu gạo trên thế giới như Việt Nam. Nhưng nếu nhìn lại một cách công bằng, đây cũng là điều hoàn toàn thuận lý khi gạo xuất khẩu của Việt Nam không kịp thích ứng nhịp độ của thị trường thế giới, chậm thay đổi.
Yếu kém lớn nhất của Việt Nam là khả năng "chuyên nghiệp hóa" con đường xuất khẩu gạo. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với khoảng trên dưới 35% thị phần. Nhưng, một phần không nhỏ gạo Việt sang Trung Quốc bằng đường "tiểu ngạch". Vì thế, ngay khi Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu gạo qua biên giới, gạo Việt ngay lập tức lao đao.
Một nguyên nhân khác được đưa ra để giải thích cho việc thị trường gạo Việt Nam rơi vào "khủng hoảng" trong thời gian qua là do gạo Thái Lan và Campuchia nhảy vào, cạnh tranh với Việt Nam về phân khúc gạo cấp thấp, khiến gạo xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, đặc biệt là lượng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm mạnh. Một lần nữa, khả năng cạnh tranh yếu kém của gạo Việt lại bộc lộ.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: "Tình hình lúa gạo ảm đạm bởi xuất khẩu đối mặt quá nhiều khó khăn, nhiều thị trường như: Trung Quốc, châu Phi, Indonesia, Philippines,… đều giảm nhập khẩu.
Trước mắt, cũng như lâu dài, lúa gạo Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ các nước ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Pakistan… Do đó, nếu chúng ta không sớm có hướng đi phù hợp thì vị thế xuất khẩu gạo trên thế giới sẽ ngày càng thụt lùi".
Hiến Nguyễn