Đây là khẳng định của Ts. Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia Kinh tế khi phân tích từ diễn biến giá cả thị trường năm 2016 cần quan tâm hơn đến quản lý giá dịch vụ.
Theo Ts. Nguyễn Thị Hiền, trong gần 5 năm qua, giá hàng tiêu dùng nói chung và đặc biệt là giá hàng lương thực, thực phẩm có được sự ổn định vững vàng. Ngoại trừ những thời điểm thiên tai đột xuất như nắng hạn, mưa lũ, bão to ở một số địa phương làm giá cả tăng cục bộ, nhìn chung không có những diễn biến bất thường về giá lương thực, thực phẩm trên phạm vi cả nước.
Thay vì lo lắng vật giá leo thang, người tiêu dùng hiện nay chủ yếu quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Có được điều này là nhờ nỗ lực của Nhà nước trong cải cách thể chế chuyển từ quản lý hành chính sang tôn trọng cơ chế thị trường trong quản lý giá.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, để có được một mặt bằng giá lương thực ổn định, ngoài hạn chế can thiệp hành chính vào vận động của giá thị trường còn nhờ chủ trương đúng đắn về tự do sản xuất, lưu thông, hội nhập quốc tế, cùng những thành tựu về áp dụng khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp khiến tăng trưởng sản xuất trong khu vực này đạt những bước tiến vượt bậc.
![]() |
Câu chuyện giá thuốc bán tại các nhà thuốc bên trong các bệnh viện quá cao vẫn gây bức xúc dư luận
Tuy nhiên, "Sự ổn định vững vàng của giá bán lẻ lương thực, thực phẩm và hầu hết các mặt hành tiêu dùng công nghiệp đang đặt ra vấn đề về sự cần thiết của chương trình bình ổn giá có vẻ như đang trở thành một chương trình mà doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn là người tiêu dùng", Ts. Hiền cho biết.
Đáng chú ý, trong nhóm hàng tiêu dùng không phải lương thực, thực phẩm thì vẫn nhức nhối câu chuyện giá bán lẻ xăng dầu. Mặc dù có một vài điều chỉnh trong qui chế quản lý kinh doanh xăng dầu (nghị định 83/2014/NĐ – CP về kinh doanh xăng dầu), nhưng vẫn còn đó những bất cập trong sự “lệch pha” giữa biến động giá trong nước với biến động giá trên thị trường thế giới, giữa lãi “khủng” của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu với mức giá bán lẻ cao (chậm được điều chỉnh) cho người tiêu dùng và băn khoăn về sự cần thiết tồn tại Quĩ Bình ổn giá thường xuyên có số dư hàng ngàn tỷ đồng.
Vì vậy, Ts. Nguyễn Thị Hiền, cho rằng, chừng nào cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu còn chưa được chỉnh sửa theo hướng thị trường thì cơ quan quản lý vẫn chưa thể thoát ra khỏi những lúng túng trong quản lý giá bán lẻ xăng dầu, trong khi thời điểm tự do hóa thị trường xăng dầu đã gần kề.
Đáng chú ý, Ts. Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, có một bức tranh hoàn toàn khác trong lĩnh vực giá dịch vụ. Đó là câu chuyện ồn ào về sự tùy tiện trong thu tiền vé giữ xe tại các bãi giữ xe trên cả nước còn chưa dịu xuống thì giữa năm 2016 dư luận lại bức xúc với thông tin về giá cao chót vót của hàng ăn uống tại sân bay.
Và gần đây nhất là phản ảnh về giá dịch vụ tại căng tin một bệnh viện lớn ở tuyến trên (trước đó vẫn râm ran câu chuyện giá thuốc bán tại các nhà thuốc bên trong các bệnh viện). Hiện nay, trong cơ cấu tiêu dùng của người dân tỷ trọng chi tiêu cho lương thực, thực phẩm đã giảm trong khi mức chi cho dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng.
"Việc thả nổi giá dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mà nhiều người sử dụng như gửi xe, khám chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều tầng lớp dân cư. Cần siết chặt việc quản lý giá dịch vụ đi đôi với thực hiên nghiêm túc qui định về đăng ký giá, niêm yết giá trong Luật Giá", Ts. Hiền khẳng định.
Do vậy, quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường, hội nhập quốc tế đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, giảm bớt áp lực cho cơ quan công quyền. Nhưng bên cạnh đó, áp lực lại đến từ khía cạnh khác. Thay vì “qui định”, “cho phép”, các cơ quan công quyền nay sẽ phải tốn nhiều công sức hơn vào việc hướng dẫn, tư vấn và thanh tra, kiểm tra cùng với việc hoàn thiện thể chế.
Lê Thuý