Giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới vì nguồn cung đang bị đứt gãy bởi dịch Covid-19. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.400 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.400 đồng/kg (Chư Prông) và ở Pleiku có giá 40.300 đồng/kg. Còn tại tỉnh Kon Tum, cà phê được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 300 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua (ngày 4/10).
Với mức giá hiện tại, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho biết, nếu quy đổi tỷ giá USD và giá niêm yết trên thị trường London, mỗi tấn cà phê Việt Nam còn dư địa 85 USD để cân đối với các loại chi phí phát sinh khác. Với chênh lệch trên sẽ giúp thanh khoản của thị trường cao hơn, giá cà phê thời gian tới sẽ không còn trầm lắng sau gần 2 năm bị gò bó bởi dịch Covid-19.
Mặt khác, thời gian tới, dịp Noel và các dịp lễ cuối năm ở các nước trên thế giới đang đến gần, đồng thời, các nhà hàng và khách sạn được mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 cũng sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu cà phê hơn. Đây là những yếu tố giúp tăng giá cà phê trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa giá cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi.
Trên thế giới hiện có hơn 70 quốc gia sản xuất cà phê, nhưng phần lớn sản lượng toàn cầu chỉ đến từ 5 nhà sản xuất chính là Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia. Bởi vậy, việc thị trường cà phê ở 5 nước này thường mang tính quyết định, có ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Trong khi Brazil là một cường quốc thực sự về sản xuất cà phê, chiếm gần 40% nguồn cung cà phê thế giới thì cà phê Việt Nam chiếm lĩnh thị trường quốc tế bằng cách tập trung chủ yếu vào loại cà phê robusta rẻ tiền hơn. Hạt robusta có thể có lượng caffeine gấp đôi so với hạt arabica, có vị đắng hơn nên được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, việc trồng cà phê ở Việt Nam cũng rất năng suất, sản lượng cao hơn đáng kể so với các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác.
Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh tốt hơn, các chuyên gia cho rằng các vùng trồng cà phê ở Việt Nam cần chú trọng hơn đến các công đoạn sau thu hoạch như thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… Nếu làm tốt được những điều này, người nông dân mới có thể tận thu được hết giá trị của từng hạt cà phê.
Như Yến