Giá cà phê tiếp tục tăng tại các vùng trồng trọng điểm. |
Giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk hôm nay tăng 200 đồng/kg so với ngày hôm qua, ở mức 94.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ, cà phê được thu mua cùng mức 94,200 đồng/kg.
Cà phê Đắk Nông được thu mua ở mức 94,300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 94.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Cà phê tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá 93.800 đồng/kg sau khi tăng 300 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, sau khi tăng 100 đồng/kg, giá cà phê ở mức 94.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 94.100 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 94.200 đồng/kg sau khi tăng 100 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới và có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta thế giới tăng cao đẩy giá cà phê nhân trong nước tăng xấp xỉ 95.000 đồng/kg, so với năm 2001 giá cà phê đã tăng hơn 20 lần và nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký hoặc đầu cơ tích trữ thì giá cà phê nội địa sẽ tiếp tục lên nữa.
Nếu như tháng 6/2023, doanh nghiệp hầu như không còn hàng để mua, trừ hàng tồn kho thì dự báo năm nay có thể vào tháng 5/2024, thậm chí là tháng 4/2024, Việt Nam sẽ không còn hàng để mua. Còn thực tế như thế nào vẫn phải chờ đợi diễn biến trên thị trường.
Việc sản lượng cà phê tiếp tục giảm sẽ dẫn đến tình trạng Việt Nam không còn hàng tồn kho. Điều này buộc các doanh nghiệp phải trì hoãn thời gian giao hàng. Thông thường trước đây, hàng tồn kho từ 150.000 đến 200.000 tấn nhưng năm nay thiếu hẳn nguồn hàng này.
Nếu giá sàn London tiếp tục tăng thì giá cà phê Robusta Việt Nam sẽ như thế nào, trong khi thị trường châu Âu lại rất cần loại cà phê này, và theo các đại diện châu Âu, khu vực này đang trông cậy vào cà phê Việt Nam và có một số ít nước vào vụ giống như Việt Nam nhưng thực ra lượng hàng đó không đáng kể.
Hiện, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê Robusta. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên vì những biến động tạm thời của thị trường mà chúng ta nên bỏ qua chất lượng canh tác, chạy theo giá bán và sản lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Robusta Việt Nam.
Về chiến lược đường dài trong việc nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng cần cập nhật theo xu hướng phát triển xanh - bền vững để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trên thế giới.
Các doanh nghiệp nên liên kết cùng hộ nông dân, HTX để xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp xanh, tạo ra chuỗi cung ứng có kiểm soát và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các bộ tiêu chí quốc tế cho ngành cà phê cùng các chứng nhận bền vững.
NY