Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ cà phê mới nhưng dự báo sản lượng giảm khoảng 10% so với niêm vụ trước. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 46.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 47.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 47.400 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua ở mức 47.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 47.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 47.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 47.300 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 47.400 đồng/kg.
Là nước xuất khẩu Robusta lớn trên thế giới nhưng Việt Nam dường như đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cung.
Theo ước tính của một số doanh nghiệp, tồn kho tính đến cuối tháng 9/2022 ở Việt Nam có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được dự đoán giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022/23 xuống 1,72 triệu tấn.
Dự trữ ngày càng cạn kiệt trong khi triển vọng sản lượng trong niên vụ tiếp theo không được tích cực giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cà phê đang phục hồi sau đại dịch. Theo các chuyên gia, điều này có thể sẽ khiến các nhà xuất khẩu đánh mất các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD. Trong 10 năm tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê có khả năng đạt 5 - 6 tỷ USD, gần gấp 2 lần so với hiện tại. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Như Yến