Lợi nhuận từ xuất khẩu cà phê vẫn chưa như mong muốn của doanh nghiệp. |
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 42.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), cà phê ở mức 43.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 43.300 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 43.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 43.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 43.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 43.200 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 43.200 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, hiện thị trường cà phê được đánh giá trong giai đoạn “kinh doanh thời tiết” khi nhà đầu tư thường tập trung theo dõi tin tức thời tiết sương giá mùa đông ở Brazil. Tuy vậy, các giới đầu cơ vẫn tỏ ra thận trọng để chờ xem hiệu quả tác động của việc nâng lãi suất cơ bản lần này và những lần sắp tới để xác định xu hướng rõ ràng hơn.
Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil). 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889 ngàn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp phản ánh, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận không như mong muốn vì giá vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng cao.
Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam đang bị lép vế vì chủ yếu vẫn xuất thô với giá thấp. Chẳng hạn như một tấn cà phê chế biến giá trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá cà phê nhân chỉ đạt khoảng 2.400 USD.
Một số doanh nghiệp cho rằng 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt. Nguồn cung cà phê trong nước vẫn khá dồi dào nên giá cà phê cũng không biến động nhiều so với mọi năm.
Như Yến