Xuất khẩu cà phê được dự báo lạc quan trong thời gian tới. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 41.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 41.300 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 41.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 41.200 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.300 đồng/kg.
Theo các nhà phân tích thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao.
Hiện nay, các khó khăn trong thu mua, lưu thông và tiêu thụ cà phê dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sản xuất, để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê.
Trước những dự báo về việc thiếu hụt nguồn cung từ các nước trên thế giới sẽ thúc đẩy giá cà phê trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, ngành cà phê cần tập trung vào một số giải pháp nhằm tận dụng cơ hội này. Trong đó các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Bộ và các ngành chức năng để nắm bắt thông tin thị trường, thay đổi phương thức giao dịch, đa dạng hóa hình thức vận chuyển để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng sẽ có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan.
Như Yến