Được biết, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan bộ ngành, Chính phủ điều chỉnh giá điện trong năm 2024, giá điện điều chỉnh nằm trong kế hoạch phản ánh biến động các chi phí đầu vào cho EVN, và để tập đoàn này có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện trong năm 2024. |
Mặc dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục. Trong năm vừa rồi tập đoàn này đã lỗ 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng.
Theo Bộ KH&ĐT, về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, khoản lỗ của công ty mẹ được công bố là 26.499 tỷ đồng và toàn tập đoàn lỗ 20.747 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết: Toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó giá bán ra có 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.
“Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng, cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40-50%, còn lại các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.
"Việc cân đối tài chính của tập đoàn vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, cố gắng thì đây như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết", Tổng Giám đốc EVN nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện nay, thủy điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện; còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
"Với cơ cấu nguồn như vậy, giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thủy điện (nước) cũng là tài nguyên thiên nhiên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, do vậy giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống. Vấn đề này cần được giải thích rõ để khách hàng thấu hiểu và chia sẻ với ngành điện và cũng giải thích cho câu hỏi của dư luận tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm", ông Tuấn cho hay.
Theo Tổng Giám đốc EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.
"Mặc dù chúng tôi đang cố gắng tối ưu hóa các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN", ông Tuấn nói.
Thy Lê