Liên tiếp những ngày cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư (trong đó có nhiều tổ chức tài chính và quỹ đầu tư quốc tế lớn) đã dồn sự chú ý vào Genco 3 khi đơn vị này cấp tập tổ chức 2 buổi roadshow tại Tp.HCM và Hà Nội để giới thiệu về phiên IPO diễn ra vào tháng 2/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM.
Bước chuyển quan trọng
Đây là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” cho EVN. Các nhà máy thuộc Genco 3 (như Phú Mỹ, Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1, Buôn Kuốp…) có tổng công suất lắp đặt 6.304MW, tương đương khoảng 16% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Trong năm 2017, DN này đạt doanh thu khoảng 34.632 tỷ đồng, lợi nhuận sản xuất điện đạt 1.276 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) tại Genco 3.
Theo đó, giá trị thực tế của DN được đánh giá lại là gần 93.000 tỷ đồng, EVN nắm giữ 1.061.300.000 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ.
Qua tiếp xúc với giới đầu tư, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết EVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Genco 3 đến hết năm 2019. Từ năm 2020, trong trường hợp tái cấu trúc được các khoản nợ và đàm phán được với các tổ chức tín dụng cho vay, EVN sẽ xem xét thoái vốn góp tại Genco 3 xuống dưới mức chi phối.
Theo ông Đinh Quốc Lâm, Tổng Giám đốc Genco 3, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (hơn 749 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ) sẽ được thực hiện sau khi IPO.
Trong khi đó, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Bộ phận phân tích đầu tư của công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital), nhận định các nguồn điện chủ lực của Genco3 có công suất lớn, nằm gần các trung tâm phụ tải của miền Nam và miền Bắc, có giá cạnh tranh, khi tham gia thị trường điện cạnh tranh sẽ mang lại lợi thế lớn.
Giới chuyên gia cho rằng tiếp nối làn sóng CPH của một loạt DN phát điện, trong đó có nhiều DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, việc IPO 3 tổng công ty phát điện 1, 2, 3 và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) sẽ IPO ngày 31/1/2018 đã cho thấy những nấc thang đầu tiên trên công cuộc chuyển đổi ngành điện từ độc quyền sang cơ chế thị trường.
Từ những động thái trên, theo chuyên viên phân tích của Viet Capital, điều này cho thấy năm 2018 là bước ngoặt cho thị trường điện cạnh tranh. Lúc đó, thị trường điện sẽ mở hơn. Việc đưa vào thị trường bán điện cạnh tranh khi CPH các tổng công ty phát điện, thị trường điện ở Việt Nam sẽ lên một bước phát triển mới.
![]() |
Việc thúc đẩy cổ phần hóa năm 2018 là bước ngoặt cho thị trường điện cạnh tranh
Không chỉ phá vỡ thế độc quyền
Thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Số nhà máy phát điện tham gia và số công suất trực tiếp tham gia đã tăng gấp đôi. Giá trần trên thị trường điện trong 5 năm qua cũng tăng 50%. Cho nên, không lý do gì thị trường bán buôn không đi vào hoạt động trong ngành điện.
Như chia sẻ của ông Đinh Quang Tri, khâu quan trọng nhất trong thị trường điện là khâu phát điện và kinh doanh bán lẻ. Hai khâu đó được tự do cạnh tranh nên theo đề án, đó là tiến hành CPH các tổng công ty phát điện 1, 2, 3.
Tại ba tổng công ty này, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, đến năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối.
Hiện, EVN đang hoàn thiện các thủ tục xác định giá trị DN các Genco 1 và 2, dự kiến hoàn thành CPH trong năm 2018. Riêng công ty truyền tải sẽ do Nhà nước sở hữu 100%, vì nếu cho tư nhân vào thì sẽ tạo độc quyền tư nhân.
Ngoài ra, trong đề án tái cơ cấu, EVN sẽ tiếp tục thoái vốn của tập đoàn và của các tổng công ty tại các công ty cổ phần, như: Thoái vốn tại công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance), Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, công ty CP Phong điện Thuận Bình, công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Được biết, ba mắt xích chính của chuỗi giá trị ở EVN là phát điện – truyền tải – phân phối đều đã được tách ra thành các tổng công ty hạch toán độc lập với EVN nhằm cụ thể hóa và chuyên môn hóa mọi hoạt động trong phân khúc của mình.
Chính những bước đi này cùng với việc thúc đẩy CPH là những bước chuẩn bị cần thiết cho thị trường điện cạnh tranh. Hiệu quả chung của toàn hệ thống có thể được xem như một bước đầu thành công của quá trình tái cơ cấu ngành điện.
Theo định hướng, EVN có thể sẽ CPH các DN ở khâu phân phối/bán lẻ điện để chuẩn bị cho thị trường bán buôn và bán lẻ điện, nhằm gia tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Cũng nên nhắc lại, trong năm 2017, EVN đã thoái, giảm vốn tại 8 công ty CP với giá trị phải thoái/giảm vốn là 269,54 tỷ đồng, giá trị thu về 386,58 tỷ đồng, thặng dư 117,0 tỷ đồng.
Trong vấn đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào ngành điện, điều vẫn còn khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn là liệu có thể phá vỡ thế độc quyền ngành và xây dựng một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, minh bạch?
Chẳng hạn như việc tách đơn vị điều hành hệ thống điện quốc gia và đơn vị trung gian mua bán điện ra khỏi EVN. Việc vẫn tồn tại một đơn vị vừa tham gia vừa điều hành thị trường thì ngành điện vẫn còn độc quyền và tính minh bạch của thị trường điện vẫn phải đặt dấu hỏi lớn.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri, cách hiểu như trên là chưa đầy đủ bản chất vấn đề. Hiện đã có quy định về phát triển thị trường điện cạnh tranh gắn với quy luật thị trường, nên không phải cứ đơn vị nào nắm vai trò chủ sở hữu cũng có thể độc quyền.
Thế Vinh